Sáng Chế Của ‘Nhà Khoa Học Nhí’
Thương ông nội và những người dân quê sống bằng nghề nuôi tôm thường lao đao sau mỗi lần tôm chết, em Nguyễn Văn Tuấn ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã sáng chế ra máy phát hiện và xử lý tôm ngạt khí. Công trình của em được đánh giá là một trong ba đề tài xuất sắc nhất của cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên toàn quốc năm 2008 và được tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới trao giải WIPO.

Đi tìm nguyên nhân tôm ngạt khí

Mỗi lần chứng kiến những hộ nuôi tôm bị mất hàng trăm triệu đồng vì tôm bị ngạt khí chết hàng loạt, trong đó có gia đình mình, Tuấn lại đặt ra quyết tâm tìm hiểu lý do và tìm cách giúp người nông dân không còn vỡ nợ vì mất mùa…
Hằng ngày, cùng ông nội lăn lộn trên các đầm tôm, Tuấn nhanh chóng tìm ra nguyên nhân khiến tôm bị ngạt khí. “Khi lớn, tôm cần nhiều ôxy hơn nên người nuôi phải cung cấp đủ lượng ôxy cần thiết cho chúng. Quan trọng nhất là phải theo dõi để phát hiện sớm và xử lý kịp thời”, em lý giải.

Tìm hiểu trên thị trường chưa thấy có loại máy nào giúp nông dân phát hiện tình trạng tôm bị ngạt khí, Tuấn quyết định sáng chế một chiếc máy làm nhiệm vụ này. Vừa làm, Tuấn vừa lân la học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi tôm quanh vùng. Theo kinh nghiệm, tôm chỉ nổi lên mặt nước khi bị thiếu ôxy. Khi bị ngạt, tôm nổi lên từng đàn, những con lớn nổi lên trước nên lực tác động rất mạnh. Dựa vào đó, Tuấn nghĩ ra cách giăng lưới sắt để tôm đập vào lưới khiến công tắc điện đóng lại và phát ra tín hiệu.

Công trình 250.000 đồng

Ý tưởng đã hình thành từ lâu, nhưng Tuấn chỉ có điều kiện bắt tay vào sáng chế trong kỳ nghỉ hè vừa qua. Chỉ trong tháng 7, chiếc máy phát hiện và xử lý tôm ngạt khí của em đã ra đời. Tháng 8, em nộp chiếc máy này cho Ban tổ chức để tham gia cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên toàn quốc.

Máy gồm các bộ phận: máy phát tín hiệu, phao giúp cho máy phát tín hiệu nổi trên mặt nước, bình ắc quy, hai lưới sắt để cảm nhận độ va đập của tôm. Máy thu tín hiệu được đặt tại lều nuôi tôm với sự trợ giúp của hệ thống rơ-le và máy sục khí. Máy hoạt động theo nguyên lý: Khi thiếu ôxy, tôm nổi lên mặt nước, ánh sáng của đèn pha và bộ kích điện kích thích tôm hoạt động mạnh trên bề mặt của ao hồ, đập vào lưới để truyền về hệ thống cảm biến của máy. Bộ cảm biến nhận tín hiệu rồi truyền qua hệ thống rơ-le về máy thu để đóng mạch điện cho máy sục khí làm việc. Lượng ôxy được bổ sung kịp thời giúp tôm khỏe mạnh và lặn trở lại xuống đáy ao, hồ. Thiết bị còn gắn thêm bộ phận làm nhiệm vụ báo trộm và báo động tôm nổi lên mặt nước với số lượng lớn.

Tuấn đã thử nghiệm công trình này ở ao tôm nhà mình, cho kết quả rất tốt. Tuấn cho biết: “Em chỉ mất 250.000 đồng để sáng tạo chiếc máy này. Những vật liệu em dùng đều mua từ hàng sắt vụn, thứ đắt tiền nhất là chiếc bình ắc-quy”.

Đang học lớp 12, Trường THPT Quỳnh Lưu 2, Tuấn rất muốn theo đuổi những ý tưởng sáng tạo của mình. ước mơ của em là thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đánh giá về công trình của Tuấn, GS. Nguyễn Đức Khiển, thành viên Ban giám khảo cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên toàn quốc cho rằng, nếu được hoàn thiện, chiếc máy của Tuấn có thể ứng dụng rộng rãi vào thực tế, để tránh thiệt hại, rủi ro cho người nuôi tôm.

(Nguồn: kinhtenongthon.com.vn )