|
Thương mại hóa sáng chế được bảo hộ tại VN rất hạn chế |
|
|
Cục trưởng cục SHTT Tạ Quang Minh cho biết, hiện nay tình hình thương mại hóa các sáng chế đang được bảo hộ tại Việt Nam còn rất hạn chế. |
|
Nhân kỷ niệm ngày SHTT thế giới 26/4, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn về vấn đề trên.
-Từ khi Luật SHTT chính thức đi vào cuộc sống thì tình hình đăng ký bảo hộ sáng chế có chuyển biến như thế nào, thưa ông?
Ông Tạ Quang Minh: Ngay từ khi nộp đơn gia nhập tổ chức
SHTT thế giới (WTO), Việt Nam đã có chương trình xây dựng hệ thống
pháp luật SHTT từ Luật SHTT đến các văn bản hướng dẫn thi hành đáp ứng
các tiêu chuẩn quy định trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại của
quyền SHTT.
Hệ thống pháp luật này là cơ sở pháp lý để bảo vệ các kết quả nghiên
cứu, khuyến khích hoạt động sáng tạo, từ đó tình hình đăng ký bảo hộ
sáng chế của người VN cũng như hoạt động đầu tư cho nghiên cứu đã có
chuyển biến tích cực.
Công tác nghiên cứu, sáng tạo không chỉ phát triển ở các Viện nghiên
cứu, các trường Đại học mà đã phát triển ở nhiều doanh nghiệp và những
nhà sáng tạo tự do. Hiện số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu
ích của người Việt Nam nộp tại Cục SHTT tăng khoảng hơn 10 % so với
năm trước. Người có sáng chế nên đăng ký cấp bằng độc quyền sáng chế.( Ảnh: L.Bình.)
Tuy nhiên, xét về tổng thể, lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt
Nam vẫn còn thấp, chỉ chiếm 10% tổng số đơn đăng ký sáng chế nộp tại Cục
SHTT, 90% đơn đăng ký còn lại là của nước ngoài (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn
Quốc, Trung Quốc…).
- Lượng đơn đăng ký sáng chế tăng, nhưng việc mua bán, chuyển nhượng
sáng chế đã thực sự phát triển tại Việt Nam chưa? Ông đánh giá thế nào
về tình hình thương mại hoá các văn bằng sáng chế, bảo hộ TSTT ở Việt
Nam hiện nay?
Cục không có số liệu thống kê về số lượng sáng chế được chuyển giao,
được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo kết quản tìm hiểu nhu cầu chuyển
giao và áp dụng sáng chế để hỗ trợ trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ
phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) thì tình hình thương mại
hóa các sáng chế đang được bảo hộ tại VN hiện nay là rất hạn chế.
Chương trình 68 đã chủ động tìm kiếm, xác định các sáng chế có khả năng
thương mại hóa và nhu cầu áp dụng các sáng chế đó của doanh nghiệp để hỗ
trợ kinh phí nhưng số lượng sáng chế, công nghệ có thể thương mại hóa
không nhiều do số lượng sáng chế, công nghệ có khả năng thương mại hóa
ít; do chưa tạo ra được một thị trường chuyển giao sáng chế, công nghệ
hoạt động hiệu quả; bên cạnh đó các tổ chức, cơ quan hỗ trợ hướng dẫn
chuyển giao sáng chế, công nghệ, kết quả nghiên cứu còn ít.
Nguyên nhân tiếp theo do khả năng cũng như sự sẵn sàng áp dụng, nhận
chuyển giao sáng chế, công nghệ của doanh nghiệp VN còn hạn chế nên
việc triển khai áp dụng các sáng chế doanh nghiệp cần một quá trình
nghiên cứu triển khai, cần có kinh phí để đầu tư đưa sáng chế vào áp
dụng.
Vì vậy, trong khuôn khổ Chương trình 68, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí
triển khai dự án về thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu,
Cục SHTT còn có các dự án hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho doanh nghiệp
khi áp dụng sáng chế, công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh
của mình.
-Thêm một số khó khăn khác trong quá trình theo đuổi đơn sáng chế ở
Việt Nam lại liên quan đến sự mất cân đối đang ngày càng tăng lên giữa
số lượng đơn được nộp và số lượng thẩm định viên, điều này gây ra hiện
tượng quá tải đối với các phòng chuyên môn của Cục SHTT dẫn đến thời hạn
thẩm định các đơn bị kéo dài?
Đúng là như vậy, hiện tại số lượng thẩm định viên sáng chế của Cục SHTT
chưa được bổ sung theo mức độ tăng hàng năm của đơn đăng ký sáng chế.
Tình trạng quá tải, đơn tồn đọng chưa được xử lý trong thời hạn quy định
là có.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam cũng chưa có khóa đào tạo về Thẩm định viên
chuyên nghiệp, đa số chỉ đi học những khóa ngắn hạn tại nước ngoài hay
tự đào tạo lẫn nhau nên có những hạn chế nhất định.
Vì vậy, ngay từ đầu năm 2012 Cục đã triển khai kế hoạch tiếp nhận để đào
tạo bổ sung 30 thẩm định viên sáng chế. Tuy nhiên vấn đề khó khăn là
phải mất khoảng thời gian 3 - 4 năm để một người có thể thực hiện được
việc thẩm định đơn sáng chế vì chưa có khóa đào tạo chính quy, chỉ có
các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tại nước ngoài.
Chương trình 68 đã khuyến khích
DN, tổ chức, cá nhân dụng sáng chế, công nghệ mới vào hoạt động sản
xuất, kinh doanh (Ảnh: Mai Hà)
-Vậy theo ông, hệ thống pháp luật về SHTT của Việt Nam được ban hành
hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hoạt động SHTT ở
Việt Nam hiện nay chưa?
Có thể nói Việt Nam đã có hệ thống pháp luật về SHTT tương đối đầy đủ,
đồng bộ từ Luật SHTT đến các văn bản (Nghị định, Thông tư) hướng dẫn thi
hành Luật SHTT.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động SHTT, một
mặt cần phải hoàn thiện các văn bản hướng dẫn các quy định mới, đồng
thời rà soát, hoàn thiện các các quy định hiện hành cho phù hợp với thực
tế áp dụng.
Cục SHTT sẽ xây dựng, trình Bộ KH-CN ban hành các Thông tư hướng dẫn thi
hành các quy định mới về sở hữu công nghiệp và Thông tư sửa đổi, bổ
sung các quy định trong các Thông tư hiện có để việc triển khai áp dụng
hệ thống pháp luật về SHTT được hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông!
Trong năm 2011, Cục SHTT đã tiếp
nhận gần 39 nghìn đơn đăng ký các đối tượng SHTT, trong đó có gần 32
nghìn đơn đăng ký nhãn hiệu, gần 4000 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp
hữu ích, gần 2000 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp…
Số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp vào Cục tăng qua
các năm, điều này phản ánh xu thế phát triển của KH&CN, là kết quả
của hoạt động đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ,
cũng là bức tranh phản ánh sự quan tâm, nhận thức của các nhà khoa học,
doanh nghiệp về vai trò và sự cần thiết phải đăng ký sở hữu công nghiệp
ngày càng tăng.
Thông qua việc đăng ký bảo hộ sáng chế, quyền và lợi ích hợp
pháp của chủ sở hữu các kết quả nghiên cứu được pháp luật bảo vệ. Họ có
độc quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu đã được đăng ký bảo hộ; được
chuyển giao cho nguời khác sử dụng, từ đó nhận được những khoản tài
chính để có thể tiếp tục đầu tư cho hoạt động nghiên cứu tạo ra các kết
quả mới.
|
|
|
|
|
|
|
|