Vắcxin cúm giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim
Thêm một lý do để bạn nên đi tiêm vắcxin phòng cúm hàng năm là loại vắcxin này có thể làm giảm tới 50% nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong vì các bệnh liên quan đến tim mạch.

Theo phóng viên tại Canada, các nhà khoa học của nước này đã phát hiện ra rằng ngoài việc phòng cúm, loại vắcxin trên còn có khả năng làm giảm 50% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trong vòng một năm sau khi tiêm, kể cả những người có hoặc không có bệnh lý về động mạch vành.

Phát biểu tại Hội nghị Tim mạch Canada năm 2012, được tổ chức tại thành phố Toronto, ngày 29/10, tiến sỹ Jacob Udell, chuyên gia tim mạch lâm sàng thuộc Đại học Toronto, giải thích rằng việc nhiễm cúm có thể ảnh hưởng đến luồng oxy chuyển qua máu tới tim.

Vắcxin cúm giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim

Những người được tiêm vắcxin phòng cúm có thể ngăn ngừa việc các mảng xơ vữa bị vỡ bên trong động mạch vành, cản trở việc cung cấp máu cho tim, dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim. Việc tiêm vắcxin phòng cúm không chỉ giúp phòng chống riêng bệnh cúm, mà còn bảo vệ bệnh nhân khỏi tất cả những tác hại đi kèm với việc nhiễm cúm, trong đó có chứng sưng tấy và tình trạng các mảng xơ vữa trong động mạch bị vỡ.

Phát hiện nói trên không chỉ hỗ trợ khuyến nghị tiêm phòng cúm hàng năm cho các bệnh nhân mắc bệnh tim mà còn có thể là một phương pháp chữa trị tiềm tàng để làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ chỉ với một mũi tiêm chủng hàng năm. Phát hiện này có ảnh hưởng lớn bởi vì theo Quỹ tài trợ tim và đột quỵ Canada, mỗi năm, tại nước này có khoảng 70.000 ca đau tim. Trong khi đó, hàng năm chỉ có từ 2.000-8.000 người Canada tử vong do bệnh cúm hoặc những biến chứng của bệnh cúm.

Trong một nghiên cứu có liên quan, một nhóm các nhà khoa học Canada khác đã phát hiện ra rằng những bệnh nhân được cấy ghép máy khử rung tim sẽ ít có nguy cơ bị đột quỵ trong mùa cúm nếu họ được tiêm vắcxin phòng cúm. Phát hiện này có thể giúp làm tăng tỷ lệ người đi tiêm vắcxin phòng cúm hàng năm. Theo số liệu mới nhất, chỉ có 36% dân số Canada đi tiêm vắcxin phòng cúm trong năm 2011.

(Nguồn: khoa hoc )