Nga phát minh ra vaccine chống phóng xạ
Các nhà khoa học ở Trung tâm nghiên cứu Vladikavkaz thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga vừa phát minh ra một loại vaccine trung hòa được những ảnh hưởng của phóng xạ đối với sinh vật sống.

Giới chuyên gia Nhật Bản đang quan tâm đến loại thuốc này và có ý định sử dụng để hóa giải tác động của phóng xạ do động đất và sóng thần gây ra đối với những người làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1.

Theo giáo sư Vyacheslav Maliyev, người đứng đầu Phòng công nghệ sinh học của Trung tâm nghiên cứu khoa học Vladikavkaz, vaccine này được chế tạo cùng với Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) từ năm 2006 và chuẩn bị “xuất xưởng”.

Thuốc được tiêm thử nghiệm cho những con vật thí nghiệm đã nhận liều phóng xạ mà sau đó chúng không thể sống quá 7 ngày. Những con vật được tiêm thuốc của Mỹ bị chết vào ngày thứ 4. Những con vật thí nghiệm được tiêm thuốc của Nga thì sống sót và 2 tháng sau, cơ thể chúng không biểu lộ sự bất thường nào.


Ảnh minh họa.

Các giai đoạn tiếp theo, các chuyên gia Nga và Mỹ cùng nghiên cứu, chủng ngừa thuốc này ở động vật và cũng như ở tế bào người và đã khẳng định tính hiệu quả của thuốc. Theo các nhà khoa học từ Vladikavkaz, vaccine này có tác dụng với loại phóng xạ vượt mức cho phép hàng nghìn lần nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra áp dụng lâm sàng.

Ông Voldemar Tarita - người đứng đầu phòng thí nghiệm Trung tâm Y khoa cấp cứu và bức xạ toàn Nga thuộc Bộ Các tình huống khẩn cấp cho biết, để phát triển và thử nghiệm dược phẩm để điều trị các bệnh do phóng xạ, nơi mà các tổn thương ở cấp độ ADN, thường đòi hỏi phải mất nhiều năm.

Trong số các thuốc làm giảm mức độ ảnh hưởng của phóng xạ đối với con người, đơn giản nhất và dễ tiếp cận nhất là các chế phẩm i-ốt có khả năng bảo vệ tuyến giáp trạng. Các chuyên gia nhấn mạnh, khi nền phóng xạ đang ở mức bình thường, chúng ta không nên tự điều trị bằng các chế phẩm có chứa i - ốt hoặc các chất phụ gia sinh học bởi dùng quá liều các loại thuốc đó sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực như dị ứng, phát ban, sốt... và các bệnh viêm da. Để phòng ngừa ảnh hưởng của phóng xạ ban đầu, chỉ cần ăn rong biển là đủ.

Sau khi về nước, tất cả các nhân viên đội cứu hộ Nga, làm việc tại Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần gây rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, sẽ được xét nghiệm phóng xạ bằng thiết bị chuyên dụng độc đáo của Trung tâm Y khoa cấp cứu và phóng xạ khẩn cấp tại thành phố St Petersburg.

(Nguồn: Lê Thắng - KH )