Lành vết thương nhờ mô nhân tạo
Các nhà khoa học Mỹ vừa tạo ra miếng mô nhân tạo từ collagen, giúp bệnh nhân bị bỏng hoặc tổn thương da nặng nhanh chóng phục hồi, rút ngắn quá trình điều trị và phẫu thuật.


Cấu trúc của miếng mô nhân tạo

Theo nhà khoa học Abraham Stroock ở ĐH Cornell (Mỹ) và các đồng nghiệp, cấu trúc của một miếng mô nhân tạo là giàn mô có kích cỡ bằng một đồng xu, được làm từ collagen loại 1, loại vật liệu thường được sử dụng trong phẫu thuật và các ứng dụng y sinh khác. Loại mô này có tác dụng thúc đẩy trực tiếp các mô khoẻ mạnh phát triển tại khu vực bị tổn thương.

Với lớp mô mới này, hệ thống mạch máu giữ chức năng lưu thông máu và các chất lỏng đi khắp cơ thể. Khi được tiến hành cấy ghép, các mạch máu tại những khu vực bị tổn thương sẽ phát triển dưới lớp hạ bì, lớp sâu nhất của da và các mạch máu.

Collagen loại 1 có khả năng tương thích sinh học và không chứa tế bào sống, nên làm giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch cũng như khả năng đào thải mô được cấy ghép.

Chính sự phản ứng của quá trình phục hồi vết thương với các vi kênh của collagen đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mô khoẻ mạnh và các mạch máu phát triển nhanh chóng.

Sử dụng mô nhân tạo trong phục hồi vết thương không phải vấn đề mới, vì chúng từng được sử dụng nhiều trong việc điều trị các vết bỏng hay những vết thương sâu khác.

Tuy nhiên, trước đây khả năng thúc đẩy các mô khoẻ mạnh phát triển vẫn thấp do thiếu các vi kênh trong collagen và phải mất nhiều thời gian để cơ thể bệnh nhân thích nghi với các mô được cấy ghép. Họ cũng có nguy cơ nhiễm trùng cao và cần được chăm sóc cẩn thận.
(Nguồn: Science Daily )