Thận nhân tạo
Các nhà khoa học Mỹ đang phát triển một loại thận nhân tạo để cấy ghép cho những người mắc bệnh thận nặng hoặc để họ có thể mang khắp nơi.
Than nhan tao
                Thận nhân tạo

Theo TS Allen Nissenson cùng đồng nghiệp thuộc ĐH California, loại thận sinh học này có kích cỡ bằng một cuốn sách, phù hợp cho những bệnh nhân thận giai đoạn cuối, có thể loại bỏ nhu cầu chạy thận hoặc cấy ghép thận. Ước tính gần 900.000 người trên thế giới mắc bệnh thận giai đoạn cuối và cần chạy thận hoặc cấy ghép. Mặc dù chưa được thử nghiệm ở người hoặc động vật song thiết bị này có thể đảm nhiệm hai yêu cầu nói trên.

Thận nhân tạo nằm trong một chiếc hộp duy nhất, chứa hai màng. Màng bắt chước cấu trúc lọc trong thận tự nhiên. Màng đầu tiên bắt chước chức năng của các cuộn cầu thận - cuộn mao mạch hình cầu mà thông qua đó máu được lọc dưới áp lực cao. Nước và chất dịch đi qua song tế bào và protein bị giữ lại. Màng thứ hai hoạt động giống như những tiểu ống thận - ống hình chữ u góp phần duy trì sự cận bằng của muối và nước trong cơ thể bằng cách tái hấp thụ muối cũng như các chất dinh dưỡng khác.

Khi được kết nối với dòng máu, các màng của thận nhân tạo sẽ lọc và xử lý máu. Chất thải và nước được thải vào một chiếc bao và bao sẽ bị vứt bỏ khi đầy. Còn các chất quan trọng như muối, canxi và chất dinh dưỡng được trả lại cơ thể. Mô hình máy tính cho thấy khi hoạt động 12 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần, hiệu suất lọc của thiết bị cao hơn nhiều so với phương pháp chạy thận thông thường 3 lần/tuần. Dự kiến thận nhân tạo sẽ được thử nghiệm lâm sàng vào năm 2010.

(Nguồn: ABC News )