Châm cứu bằng ... ánh sáng
Các chuyên gia thuộc Viện Khoa học vật liệu và Viện Ứng dụng công nghệ vừa chế tạo thành công máy châm cứu bốn kênh bằng laser đi-ốt bán dẫn.

Máy châm cứu bằng laser đi-ốt bán dẫn

Máy châm cứu có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như châm cứu (quang châm), điều trị nội mạch, các bệnh viêm nhiễm, điều trị bỏng, cai nghiện thuốc lá và ma tuý... Theo PGS.TS Vũ Doãn Miên, trưởng nhóm nghiên cứu, thay vì phải châm kim trực tiếp vào da của bệnh nhân như trước đây, giờ bác sĩ chỉ việc gí hoặc dán những sợi quang dẫn laser vào điểm huyệt cần châm.

Do vậy, bệnh nhân không đau đớn. Còn bác sĩ tránh được nguy cơ lây nhiễm một số bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS.

Nhóm nghiên cứu đã chọn ánh sáng laser có bước sóng 780nm vì nó có thể xuyên sâu vào cơ thể 4-5cm. Ánh sáng được phát ra từ chip laser đi-ốt bán dẫn nằm trong máy. Sau đó, ánh sáng laser đi ra ngoài thông qua bốn sợi quang được ghép nối với chip laser. Được gọi là kênh, những sợi quang này tương đương với các kim châm. Số sợi quang có thể được tăng lên 6,8 hoặc 10 tuỳ thuộc vào nhu cầu của người sử dụng.

Công suất phát của laser ở đầu sợi quang có thể thay đổi từ 0 đến 70mW. Điều chỉnh giảm hoặc tăng công suất phát trong giới hạn nói trên tương đương với viêc dùng kim châm có đường kính nhỏ hoặc lớn. Công suất được ổn định bằng cách giữ nhiệt độ laser không đổi ở 25 độ C nhờ pin lạnh Peltier. Mọi chế độ hoạt động của máy được điều khiển bằng phần mềm do nhóm chế tạo và được hiển thị lên màn hình tinh thể lỏng.

TS Vũ Doãn Miêu cho biết, so với các loại máy khác được chế tạo trong nước, ưu điểm của máy là có thể cài đặt và nhớ vào bộ nhớ tới 10 chế độ điều trị cho bệnh nhân, rất thuận tiện cho y bác sĩ. Ngoài ra, công suất vài chục mW của máy được coi là mức hiệu quả nhất đối với quang châm, không giống như những loại máy trong nước có công suất thấp, chừng 10mW. Giá thành ước tính của máy chỉ bằng 2/3 so với máy nhập ngoại. Máy của Nga, Mỹ, Trung Quốc và Canada có giá chừng 5.000 đôla Mỹ.

Được biết máy châm cứu này đã được thử nghiệm không chính thức tại Quy Nhơn để cai nghiện ma tuý và bước đầu cho kết quả tốt. Sắp tới, máy sẽ được thử nghiệm chính thức tại Ba Vì để cai nghiện. Thời gian sẽ trả lời liệu máy châm cứu bằng laser đi-ốt bán dẫn có hiệu quả như châm cứu bằng kim truyền thống hay không.

(Nguồn: VietNamnet )