|
Cơ khí hóa nông nghiệp...bị bỏ quên: Nông dân tự cứu mình |
|
|
Chính nông dân là người đã đứng ra giải bài toán cơ giới hóa. |
|
|
|
Máy móc, nông cụ do nông dân sáng tạo chưa thể có chất lượng tốt nhất, nhưng nhờ gắn với thực tiễn công việc nên đã đáp ứng được nhu cầu công việc.
Tự chế máy cho mình
Việc kêu nhân công để chăm sóc cho hơn 70 ha cao su không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là những việc cần phải làm nhanh như bón phân, hoặc phun thuốc trừ sâu bệnh. Trăn trở trước điều này, ông Nguyễn Văn Long (Hai Long), ấp Cây Sắn, tại xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương phải nghĩ đến việc dùng máy thay sức lao động.
Ông Long chia sẻ: Chọn mua máy của nước ngoài thì loại nào cũng có, nhưng giá quá cao trong khi cao su chưa đến tuổi cho mủ, từ đó ông nghĩ đến việc tự chế máy. Hơn 15 năm trước, ông bắt tay vào làm máy thổi lá cao su. Chiếc máy có thể thổi 20ha/ngày, cao gấp mấy chục lần cầm chổi quét thủ công. Không dừng lại ở đó ông chế máy bón phân. Lúc chưa có máy, mỗi năm ông chỉ bón cho cao su hai lần do khó tìm nhân công và phải trả chi phí nhân công không nhỏ. Khi có máy trong tay, ông chia ra bón một năm bốn lần. Theo giải thích của ông, bón nhiều lần đã giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, bón phân bằng máy sẽ rải phân đều hơn, dễ kiểm soát.
Với Hai Long, khâu nào làm thủ công khó, không hiệu quả ông nghĩ ngay đến việc chế máy. Năm 2010, người trồng cao su ở Bình Dương điêu đứng với căn bệnh rụng lá và bệnh phấn trắng. Cách phun bằng máy bơm cao áp và đưa sào lên cao đã tỏ ra ít tác dụng. Chỉ một thời gian ngắn tìm hiểu, ông đã cho ra đời một loại máy không cần dùng sào mà vẫn có thể phun thuốc lên với độ cao hơn 20m. Không chỉ phun cao mà chiếc máy này lại hiệu quả hơn nhờ lượng thuốc phun đều trên mặt lá, cành. Chỉ cần một người vận hành máy, một ngày có thể phun được từ 15 – 20 ha cao su.
Câu chuyện của Hai Long cũng chỉ như rất nhiều nông dân ở nơi này, nơi khác, chế tạo máy để dùng trong trồng lúa, cà phê, cao su, đậu, bắp… Mục đích của việc chế tạo máy không ngoài việc giảm bớt lao động chân tay, chủ động trong gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, tăng năng suất lao động và giảm thất thoát trong sản xuất.
Giúp mình, giúp người
Thực tế những máy móc của Hai Long nghĩ ra, không chỉ phục vụ cho công việc của chính gia đình mình. Ông còn chia sẻ kinh nghiệm làm máy cho những nông hộ khác. Tương tự, anh Trần Thanh Huy, một nông dân trồng lan tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCMdo không có tiền trang bị hệ thống tưới cho vườn lan của mình, anh Huy mày mò thiết kế một hệ thống tưới bán tự động. “Tôi phải mày mò, vẽ thiết kế trên giấy, tính toán áp lực nước chia sao cho hợp lý nhất mới đem lắp đặt. Bộ phun nước tưới mua của nước ngoài giá quá cao, tôi bèn đi đặt đúc phôi rồi về tự mài giũa để tạo thành bộ tưới. Đến nay, hệ thống của tôi dùng bảy năm rồi nhưng chưa xảy ra hỏng hóc, vận hành rất ổn định”, anh Huy nói.
Thấy hệ thống tưới độc đáo, chi phí thấp chỉ bằng 1/10 so với của Israel, vận hành hiệu quả nhiều người trồng lan đến đặt hàng. Sáng kiến của anh Huy đã được Trung tâm Khuyến nông TP.HCM chú ý và chọn để phổ biến cho người trồng lan. Theo bà Trần Bùi Ngọc Lê, Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, đến nay, đã có hơn 80 vườn lan của nông dân được hỗ trợ 50% kinh phí để trang bị hệ thống tưới này. Con số thực tế vườn lan được lắp đặt hệ thống tưới nay đã lên đến 200 vườn, chiếm gần 30% số vườn lan ở thành phố.
“Công việc chính của tôi là trồng lan chứ không phải đi lắp đặt hệ thống tưới. Do vậy, tôi đã chia sẻ kỹ thuật cho nhiều người khác. Có người đã lập công ty chuyên lắp đặt hệ thống tưới này. Ban đầu nó là sáng kiến của tôi, nhưng giờ là của nhiều người”, anh Huy tâm sự. |
|
|
|
|
|
|