|
Cứ sinh vật ngoại lai là xâm hại? |
|
|
Khi đánh giá một loài xem có phải là loài nguy hại hay không thì phải nghiên cứu nhiều góc cạnh... |
|
Tôm thẻ chân trắng
Khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến
việc nhập một số động, thực vật từ nước ngoài vào nước ta như ốc bươu
vàng, chuột hải ly, mai dương... Và gần đây nhất là vụ nhập nội tôm thẻ
chân trắng và hàu Thái Bình Dương. Trong vụ này, ngành thủy sản cho
rằng, các loài tôm, hàu này không phải là loài ngoại lai xâm hại, còn
bên bảo vệ môi trường thì cho nó là động vật ngoại lai xâm phạm. Bài
viết này chỉ đề cập đến một vài khía cạnh có liên quan đến sinh vật
ngoại lai, trong đó có việc nhận ra khi nào thì sinh vật ngoại lai được
gọi là sinh vật ngoại lai xâm hại.
Căn cứ khoa học
Để
xem sinh vật có phải loài xâm hại không, giới khoa học cho rằng có hai
cơ chế chính dẫn tới sự xâm hại của sinh vật ngoại lai đó là cơ chế loài
và hệ thống kinh tế. Trong bài này, chỉ bàn đến cơ chế thứ nhất. Loài
có sức cạnh tranh cao sẽ lấn át loài bản địa nhờ một số đặc điểm đặc
biệt hoặc các tổ hợp các đặc điểm đó. Đôi lúc các loài này có khả năng
sinh trưởng và sinh sản nhanh hơn. Một loài được nhập có thể trở nên xâm
hại nếu vượt qua các loài bản địa để có nguồn lực như ánh sáng, nước và
thức ăn...
Tuy
nhiên, một số loài ngoại nhập có thể biến đổi môi trường sống nhờ phát
tác các chất hóa học hoặc các yếu tố không sinh học (abiotic factors)
cho phép chúng phát triển nhưng đồng thời biến đổi môi trường theo hướng
hại cho các loài bản địa khác. Cây kế sao vàng (Yellow star thistle:
Centaurea solstitialis) và cây xa cúc (Centaurea diffusa) là những thí
dụ. Loài cây C. Diffusa sản xuất ra chất 8-hydroxyquinoline từ rễ có ảnh
hưởng tiêu cực tới các loài thực vật khác.
Loài
cỏ Bromus tectorum có nguồn gốc từ vùng Á-Âu thích nghi cao với lửa.
Chúng không những phát tán nhanh sau khi cháy mà còn làm tăng cường độ
và tần số các vụ cháy qua việc sản ra một khối lượng cây lá vụn khô
trong mùa khô hạn ở vùng Tây bắc nước Mỹ. Các loài bản địa ở đó không
chịu được hỏa hoạn sẽ bị tiêu diệt và nhường lãnh thổ lại cho nó. Rõ ràng những loài kể trên, việc xâm hại và có hại của chúng đã rõ. Bây giờ ta hãy xét đến loài thú và chim.
Theo
“Cơ sở dữ liệu các loài xâm hại toàn cầu” có đến 40 loài động vật có
vú. Trong đó, có cả những loài con người nuôi và khai thác từ lâu như
bò, lợn, dê, cừu, hươu… và 22 loài chim sống ở vùng dân cư được xem là
động vật nguy hại. Gà (Gallus gallus) là loài chim phổ biến khắp thế
giới được nuôi để làm thực phẩm. Tuy nhiên, đó cũng là loài vật mang
nhiều bệnh tật cho các loài chim khác...
Học tập kinh nghiệm các nước
Như
vậy, ta có thể thấy, khi đánh giá một loài xem có phải là loài nguy hại
hay không thì phải nghiên cứu nhiều góc cạnh: bản thân loài đó và động
lực để tạo nên sự nguy hại; thí dụ như vùng sinh thái, thổ nhưỡng... cụ
thể. Và cũng phải xem liệu có thể hạn chế được sự nguy hại đó không và
tăng cường khai thác chúng thế nào? Bởi có thể chúng xâm hại ở khu vực
khác nhưng đến môi trường mới, chúng không phải là loài xâm hại.
Cũng
phải xem xét ở hai tầm ngắn hạn và dài hạn. Thí dụ, trong một lần soạn
thảo một văn bản pháp luật về việc chống động vật ngoại lai xâm hại, đã
có những ý kiến đưa loài hươu vào danh sách đó. Tuy nhiên, các kết quả
nghiên cứu hươu ở nước ta cho thấy, hươu ở Việt Nam làm sao có thể sinh
sôi nảy nở như ở nước Pháp, nơi mà chúng được thả tự do và không ai “đả
động” tới nó. Vậy làm sao nó có thể là “loài xâm hại”...
Ngày
nay, loài ngoại lai xâm phạm được hiểu rộng hơn. Đó là các giống không
phải bản địa đối với hệ sinh thái nào đó và việc du nhập nó gây ảnh
hưởng tới kinh tế, môi trường và sức khỏe con người.
Nói tóm lại,
mọi loại động, thực vật đều có bản tính vừa tự vệ vừa cạnh tranh với
láng giềng và trở nên xâm lược không ít thì nhiều khi có cơ hội cho
phép, nhất là khi được mang đến một môi trường mới thích hợp hơn. Chính
vì vậy, bất cứ quốc gia nào cũng có luật lệ kiểm soát chặt chẽ việc du
nhập giống mới hay thú lạ. Việt Nam cũng cần phải học tập việc kiểm soát
sinh vật ngoại lai trên thế giới, nhất là các nước Bắc Mỹ và Úc nơi đã
có quá nhiều kinh nghiệm tai hại cho nông nghiệp và môi sinh trong quá
khứ do sự du nhập giống lạ bừa bãi. |
|
|
|
|
|
|