Theo DailyMail, chiếc tổ này được khai quật tại Nam Phi, thuộc về giống khủng long Massopondylus. “Nó sẽ cung cấp các đầu mối và bằng chứng về sự tiến hóa của hành vi sinh sản phức tạp ở những loài khủng long đời đầu”, các nhà khoa học cho biết. Những phát hiện thú vị như dấu chân của khủng long khiến cho các nhà khoa học suy đoán rằng, những con khủng long sơ sinh sẽ ở lại tổ đủ lâu để to lớn gấp đôi trước khi “bước ra thực tế”. Đồng thời, bố mẹ chúng sẽ thường xuyên quay về thăm tổ để kiểm tra tình hình. Quang cảnh phục dựng khu tổ vừa được khai quật
Chuyên gia David Evans của Viện Bảo tàng Royal Ontario tin rằng, vẫn còn rất nhiều hóa thạch đang ẩn mình tại Công viên Quốc gia cao nguyên Golden Gate của Nam Phi. Và dù khoa học đã tìm được rất nhiều hóa thạch khủng long, nhưng thông tin về quy trình sinh sản sinh học của loài động vật khổng lồ này, nhất là khủng long đời đầu, lại khá hiếm. “Chúng tôi phát hiện được không phải một, mà là một dãy tổ nằm san sát nhau. Niên đại của chúng lên tới 190 triệu năm vì thế, lần đầu tiên chúng tôi có được cái nhìn chi tiết về sự sinh sản của khủng long trong thời kỳ tiến hóa đầu tiên của chúng”, ông Evans chia sẻ. Một bộ xương khủng long hóa thạch bên trong trứng.
Còn theo Giáo sư Robert Reisz, trưởng nhóm nghiên cứu, thì bên trong nhiều quả trứng hóa thạch vẫn còn phôi thai khủng long. Quanh tổ còn nhiều vết chân khủng long bé xíu. Ít nhất 10 chiếc tổ đã được tìm thấy, nằm rải rác ở nhiều tầng khác nhau của khu vực khai quât và mỗi tổ có tới 34 quả trứng được xếp theo hình tròn, nằm ép vào nhau. Việc phân bố tổ như vậy, theo suy đoán của Giáo sư Reisz, cho thấy khủng long bố mẹ thường xuyên về thăm tổ, đồng thời chúng cũng về nằm ổ và đẻ trứng theo từng nhóm. Trong khi khủng long mẹ có kích thước rất lớn (dài 6m), trứng của nó lại khá nhỏ (đường kính chỉ khoảng 6-7cm). Cộng thêm việc các tổ được sắp xếp hợp lý cho thấy, khủng long mẹ có đầu óc rất cẩn thận, thậm chí là đã tính toán, sắp xếp tổ kỹ lưỡng sau khi đẻ xong. |