Trồng cây Jatropha ở sa mạc để giảm phát thải CO2
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Đức cho biết việc trồng số lượng lớn cây Jatropha curcas ở các vùng sa mạc có thể là biện pháp hiệu quả để cắt giảm phát thải CO2.

Jatropha là cây trồng có nguồn gốc từ Trung Phi, thích nghi rất tốt với các điều kiện khắc nghiệt như sa mạc khô cằn. Nó đã được trồng để làm nhiên liệu sinh học ở một số nơi trên thế giới vì hạt có dầu.

Trong nghiên cứu này, dựa vào các ước tính đối với loại cây Jatropha hiện được trồng trên các mảnh đất thử nghiệm ở Ai Cập và sa mạc Negev, các nhà khoa học cho biết, 1 ha Jatropha có thể thu được 25 tấn CO2 từ khí quyển mỗi năm. Nếu cây này bao phủ 3% diện tích sa mạc Ả Rập sẽ hấp thu được một lượng CO2 tương đương toàn bộ lượng khí CO2 do xe ô tô và xe tải ở Đức thải ra trong 20 năm. Chi phí giảm CO2 bằng cách trồng cây Jatropha sẽ dao động từ 42 - 63 euro/tấn, có thể cạnh tranh với các kỹ thuật khác như thu giữ carbon bằng công nghệ cao. Các nhà khoa học hy vọng sẽ tiến hành các thử nghiệm quy mô lớn hơn tại các vùng sa mạc Oman hoặc Qatar.

Các nhà nghiên cứu cho rằng không như các kế hoạch khác chỉ bù đắp lượng carbon con người thải ra, trồng cây Jatropha có thể là giải pháp giá trị trước mắt chống biến đổi khí hậu vì nó biến các vùng sa mạc trở thành nơi có thể ở được. Hạt của cây có thể dùng sản xuất nhiên liệu sinh học, tạo thu nhập.

(Nguồn: khoahocphothong.com.vn )