Chiếc máy hát
Tại căn phòng thí nghiệm ở Menlo Park, một nơi có đủ phương tiện cho nhà phát minh tìm tòi, nghiên cứu. Edison (1847 - 1931) có một cách làm việc rất đặc biệt. Khi một ý tưởng nẩy ra trong trí óc, ông liền thử ngay bằng ngàn cách khác nhau với sự cộng tác của những người giúp việc.
Vào thời đó, mặc dù nhà phát minh có hàng trăm bằng sáng chế nhưng danh tiếng của Edison chỉ thực sự được đại chúng biết tới sau ngày ông cho ra đời chiếc máy hát.



Thomas Edison


Thực ra sự phát minh này do khả năng nhận xét và suy luận của ông hơn là do công lao tìm kiếm. Vào một chiều mùa hè năm 1877, trong khi Edison đang loay hoay với chiếc máy dịch điện tín tự động, chiếc máy này gồm một mũi kim thép rạch các rãnh trên một đĩa giấy, đột nhiên khi cho đĩa quay nhanh hơn Edison đã nghe thấy tiếng cọ sát tăng lên và giảm đi tùy theo sự gồ ghề của chiếc đĩa. Sự kiện này đã ám ảnh nhà phát minh. Ông liền làm lại thí nghiệm nhưng lần này, thêm vào chiếc kim bộ phận chứa một màng mỏng. Edison nhận thấy cơ phận này đã làm tăng âm độ lên một cách đáng kể.

Các công trình khảo cứu về máy điện thoại đã khiến Edison nhận thức rằng một màng kim loại mỏng đã rung động khi nói vào một máy phát. Như thế có thể ghi lại sự rung động này trên một chất gì đó để rồi làm cho màng kim loại rung động trở lại mà phát ra các âm thanh như tiếng nói. Nửa đêm hôm đó, Edison ngồi lại văn phòng và vẽ trên giấy một bức họa về thứ máy móc sẽ thực hiện. Ngày 24/12/1877, Edison cầu chứng cho chiếc máy hát và bằng phát minh được chính phủ Hoa Kỳ cấp cho ông vào ngày 19/ 02/1878.

Một bộ máy ghi được tiếng nói và lại phát ra tiếng nói làm cho đại chúng phải bàn tán. Để làm cho mọi người tin chắc rằng máy hát nói được là một sự thật, Edison quyết định trình bày chiếc máy kỳ lạ trước Hàn Lâm Viện Khoa Học Hoa Kỳ. Sáng ngày 8/ 4/1878, nhà phát minh Edison đã xử dụng chiếc máy hát trước ông Joseph Henry, Chủ Tịch Viện Smithsonian, rồi vào buổi chiều, ông biểu diễn máy trước Hàn Lâm Viện Khoa Học. Ngay buổi tối hôm đó, Edison lại nhận được giấy mời trình bày máy hát trước Tổng Thống Rutherford B. Hayes. Nhà phát minh đã làm cho các nhân vật Tòa Bạch Cung cũng như dân chúng tin tưởng. Cả thế giới sôi nổi về phát minh này. Danh tiếng Thomas Edison được nhắc nhở tại khắp nơi. Báo chí đã nói nhiều về nhà phát minh 31 tuổi. Môt tờ báo gọi Edison là “Thầy Phù Thủy vùng Menlo Park” và danh hiệu này đã được phổ thông hóa.

Chiếc máy hát là một phát minh mà Edison rất ưa chuộng. Ông đã cải tiến máy dần dần trong nhiều năm trường để về sau này, máy được thay đổi khối trụ và tay quay bằng một đĩa tròn chuyển động do một bộ phận đồng hồ. Sự sản xuất máy hát càng ngày càng gia tăng, vào năm 1910 tiền bán máy và đĩa hát đã lên tới 7 triệu đô la. Vào năm 31 tuổi, Thomas Edison có 157 bằng phát minh và đang chờ đợi 78 bằng sáng chế khác từ Washington gửi về. Mặc dù vậy, ông vẫn không ngừng làm việc, mỗi ngày từ 18 tới 20 giờ.
(Nguồn: VietSciences )