|
Bom nguyên tử A |
|
|
Quả bom Nguyên Tử đầu tiên thả xuống đất Nhật năm 1945 đã làm cho mọi người kinh hoàng về thứ khí giới mới và cũng làm cho các nhà khoa học tin tưởng rằng Thuyết Tương Đối của nhà Đại Bác Học Albert Einstein là đúng. |
|
Mẫu quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima Tuy sức tàn
phá của quả bom Nguyên Tử quá khủng khiếp, song người
ta vẫn phải trầm trồ khen ngợi một nhà bác học trẻ tuổi, cha đẻ ra quả bom A
này. Giáo Sư J. Robert Oppenheimer, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử
Lực tại Los Alamos thuộc tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ, trái lại rất chán nản
về phát minh của mình. Và chính ông Julius Oppenheimer cũng không ngờ người
con trai của mình lại trở nên một nhà bác học danh tiếng đến như thế, vì ông
Julius chỉ ước mong con trai trở thành một công dân trên trung bình.
Vụ nổ gây ra của bom nguyên tử
Từ thập niên 1920, các lý
thuyết mới về Quang Tử (Quantum) và Thuyết Tương Đối
(Relativity Theories) đã gây chú ý trong giới Khoa Học nên
các khảo cứu ban đầu của ông Robert Oppenheimer là
về các hạt hạ nguyên tử (subatomic particles), gồm
cả các âm điện tử (electrons), dương điện tử
(positrons) và các tia vũ trụ (cosmic rays). Ngoài ra, ông
còn huấn luyện một thế hệ mới các nhà vật lý Hoa
Kỳ và những khoa học gia này chịu ảnh hưởng của
Robert Oppenheimer cả về tinh thần độc lập lẫn tài lãnh
đạo.
Từ năm 1933, sự việc Adolf Hitler lên nắm quyền tại
nước Đức đã khiến cho ông Robert Oppenheimer quan tâm
tới chính trị. Vào năm 1936, ông Oppenheimer đứng về
phe các người cộng hòa trong cuộc Nội Chiến Tây Ban
Nha đồng thời ông cũng có cơ hội làm quen với các
người Cộng Sản. Nhưng các thảm cảnh mà Joseph Stalin
gây ra đối với các nhà Khoa Học Nga đã khiến cho ông
Oppenheimer không còn giao du với đảng Cộng Sản nữa mà
chỉ là một người theo lý thuyết dân chủ cấp tiến
(liberal democratic philosophy).
Năm 1943, Thế Chiến Thứ Hai đang ở vào thời kỳ
khốc liệt. Các gián điệp của Hoa Kỳ báo tin rằng các
nhà bác học Đức đã tìm ra Nguyên Tử và đang tìm cách
áp dụng kỹ thuật này vào khí giới chiến tranh. Vì
vậy Hoa Kỳ phải quyết định mở một cuộc chạy đua
kỹ thuật nguyên tử và Lục Quân Hoa Kỳ được giao
cho trách nhiệm tổ chức các nhà khoa học người Anh và
người Mỹ để tìm ra một phương pháp chế ngự năng
lượng nguyên tử dùng cho các mục đích quân sự. Theo
đề nghị của Tướng Leslie Groves, Tổng Thống Franklin
D. Roosevelt đã mời ông Robert Oppenheimer giữ chức Giám
Đốc Trung Tâm Khảo Cứu Nguyên Tử Lực của Hoa Kỳ và
Trung Tâm này có mục đích chế tạo ra bom nguyên tử.
Thực ra, việc bổ nhiệm này cũng hơi lạ lùng. Tuy
Robert Oppenheimer nổi tiếng về ngành chuyên môn của mình
tức là ngành Vật Lý Nguyên Tử, nhưng ông chỉ giỏi
về mặt lý thuyết, suốt ngày sống giữa tấm bảng
đen và những con số mà chưa hề sáng chế về máy móc
hay điều khiển một trung tâm khảo cứu nào. Vào
thời kỳ đó, tại Hoa Kỳ không thiếu gì các nhà bác
học lừng danh từ châu Âu chạy sang tị nạn như
Albert Einstein, Niels Bohr, Enrico Fermi. . . và ngay cả trong
ngành Nguyên Tử cũng không thiếu gì các Giáo Sư tài
ba, nhiều tuổi hơn Robert Oppenheimer, uy tín cao hơn để
xứng đáng giữ trọng trách điều khiển Trung Tâm.
Việc chế tạo bom nguyên tử là một công trình vĩ đại,
nó đòi hỏi ở người chỉ huy những đức tính mà chưa
chắc gì một Giáo Sư Đại Học đã có đủ, và còn
cần tới một tài năng không những thuộc về địa
hạt Khoa Học mà còn thuộc cả về địa hạt Kỹ
Nghệ và Quản Trị nữa. Dự Án Manhattan, tên riêng
của dự án chế tạo bom nguyên tử, được Tướng
Leslie Groves thi hành. Ông này đã tín nhiệm Robert
Oppenheimer hơn là các nhà bác học đương thời danh
tiếng khác.
Từ giã Đại Học Đường, Robert Oppenheimer với tuổi
38, đã tỏ ra là một nhân vật xứng đáng giữ trọng
trách đó. Ông đã thu được cảm tình của hầu hết
các nhà bác học tài ba dưới quyền cũng như đối
với các chuyên viên. Trung tâm nghiên cứu nguyên tử
lực đầu tiên của Hoa Kỳ được đặt tại Los
Alamos, gần thành phố Santa Fe trong tiểu bang New Mexico,
nơi mà trước kia, ông Oppenheimer đã từng lang thang trên
yên ngựa, đã biết từng đồi cát tới các con đường
mòn. Nhà máy nguyên tử này thật là lạ lùng: nó vừa
là nhà máy vì gồm có các cơ xưởng lớn, vừa giống
như một tu viện vì mọi người làm việc quần quật
suốt ngày, lại giống một trại lính vì đóng ở
giữa sa mạc, chung quanh có hàng rào kẽm gai bao bọc và
được canh phòng cẩn mật.
Trung tâm nguyên tử này có số vốn ban đầu là 60
triệu mỹ kim, lúc đầu chỉ gồm 400 người nhưng
chẳng bao lâu tăng lên tới 4,500 công nhân. Người ta
cố gắng làm việc nhưng vào thời kỳ đó, chưa ai có
thể tiên đoán được sức phá nổ của nguyên tử vì
từ trước tới giờ, lý thuyết nguyên tử vẫn còn
nằm trong vòng giả thuyết. Tại trung tâm nghiên cứu,
ông Robert Oppenheimer bắt đầu tìm kiếm một phương pháp
tách chất Uranium - 235 ra khỏi Uranium thiên nhiên và xác
định khối lượng tới hạn (critical mass) của Uranium
là chất để làm ra quả bom. Trong giai đoạn nghiên
cứu này, ông Robert Oppenheimer đã làm việc hơn 20 giờ
mỗi ngày, người gầy dộc đi đến nỗi chỉ còn
nặng 52 kilô, trọng lượng này thật là quá ít đối
với một người cao 1,82 mét.
Ngày 16 tháng 7 năm 1945 là ngày quả bom nguyên tử đầu
tiên được cho phát nổ thử tại sa mạc Alamogordo
trong tiểu bang New Mexico. Một làn chớp sáng lòa rồi
tiếp sau là một tiếng nổ long trời, làm cho mọi người
tưởng chừng như được chứng kiến một trận động
đất dữ dội vậy. Sau đó, khói đen bốc lên cao
ngất trời theo hình một chiếc nấm vĩ đại. Trước
cảnh tàn phá của thứ khí giới mới khủng khiếp này,
ông Robert Oppenheimer mới nhớ tới một câu trong quyển
Kinh Ấn Độ Bhagavad-Ghita : "Ta đã trở nên Tử
Thần và làm cho nhiều Thế Giới run sợ, hãi hùng".
Sau khi 2 quả bom nguyên tử A thả xuống đất Nhật và
chấm dứt chiến tranh, mọi người đều gọi ông
Robert Oppenheimer là cha đẻ ra thứ bom A đó. Nhưng riêng
Giáo Sư Robert Oppenheimer lại bắt đầu ngờ vực thứ
võ khí khủng khiếp mà ông đã dày công chế tạo. Võ
khí nguyên tử không những ảnh hưởng đặc biệt
tới quân sự mà còn trở nên vấn đề liên quan tới
nền Đạo Đức nữa. Sự tàn phá của bom nguyên tử lúc
phát nổ rồi ảnh hưởng của bụi phóng xạ khi chất
này tỏa rộng, lẫn vào trong không khí mà rơi xuống
đại dương, theo gió mà bay tới các lục địa xa xôi,
khiến cho mọi người e ngại về sự tồn vong của Nhân
Loại.
Trong khi ông Robert Oppenheimer hối hận vì phát minh của
mình thì vài nhà bác học khác lại nghĩ tới việc
chế tạo một thứ bom khủng khiếp gấp ngàn lần: bom
khinh khí H. Người ủng hộ dự án này một cách
nhiệt liệt nhất là nhà bác học Edward Teller, người
Mỹ gốc Hungary. Vì vậy tại Hoa Kỳ vào thời bấy
giờ, có hai phe, người ủng hộ dự án chế tạo bom
H, kẻ phản đối thứ khí giới quá khốc liệt đó.
Trong khi chính quyền Hoa Kỳ còn đang phân vân thì thình
lình, người ta báo tin rằng Liên Xô đã cho nổ thử
một trái bom nguyên tử. Tin sét đánh này làm cho
nhiều người sửng sốt, phe ủng hộ dự án chế tạo
bom H đã thắng và Tổng Thống Harry Truman hạ lệnh
chế tạo bom H đó. Được biết tin như vậy, ông
Robert Oppenheimer liền bước ra khỏi phòng khảo cứu và
tuyên bố dứt khoát: "Tôi không phải là một lái
súng, tôi chỉ là một nhà bác học". Ông Robert
Oppenheimer từ chức Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên
Tử vào tháng 8 năm 1945.
Từ năm 1947 tới năm 1953, ông Robert Oppenheimer là Giám
Đốc của Viện Nghiên Cứu Cao Cấp thuộc trường Đại
Học Princeton (the Institute for Advanced Study at Princeton
University) và cũng là Chủ Tịch của Ủy Ban Cố Vấn
của Ủy Ban Năng Lượng Nguyên Tử Hoa Kỳ (the U.S.
Atomic Energy Commission = AEC). Ông cũng là vị cố vấn
cho Bộ Quốc Phòng Mỹ và giúp công vào việc soạn
thảo bản đề nghị đầu tiên của Hoa Kỳ về việc
kiểm soát quốc tế năng lượng nguyên tử.
Năm 1953, một số tài liệu nguyên tử của Hoa Kỳ bị
mất cắp. Phong trào chống Cộng Sản tại Mỹ đang lên
bồng bột. Các nhà bác học nguyên tử là những người
bị nghi ngờ. Ông Robert Oppenheimer cũng ở trong số đó.
Hơn nữa, ông có giao du với một số phần tử Cộng
Sản. Sở phản gián đã gom góp được nhiều tài
liệu để kết tội ông. Các địch thủ của ông hùa
nhau vào để hạ ông. Cũng có nhiều người đứng ra bào
chữa cho ông như nhà Đại Bác Học Albert Einstein và Phó
Tổng Thống Richard Nixon. Vào tháng 4 năm 1954, ông Robert
Oppenheimer bị lôi ra trước một ủy ban điều tra của
Ủy Ban Năng Lượng Nguyên Tử nhưng Tổng Hội Các Nhà
Khoa Học Mỹ (the Federation of American Scientists) đã lên
tiếng bảo vệ ông Oppenheimer trước tòa án. Vụ xét
xử về an ninh này đã công bố rằng ông Robert
Oppenheimer không phạm tội phản bội nhưng ông không
được phép tiếp xúc với các bí mật quân sự. Kết
quả là chức vụ cố vấn cho Ủy Ban Nguyên Tử Lực
Hoa Kỳ của ông bị hủy bỏ. Sự lên án này đã làm
sôi nổi dư luận tại Hoa Kỳ và tại châu Âu. Ông
Robert Oppenheimer là một biểu tượng quốc tế của các
nhà Khoa Học cố gắng giải quyết các vấn đề đạo
đức (moral problems) sinh ra trong công cuộc khám phá Khoa
Học và ông cũng trở nên một nạn nhân của công
cuộc săn tìm phù thủy (a witch-hunt). Tuy đã bị mất
chức, nhưng từ năm 1947 tới năm 1966, ông Robert
Oppenheimer vẫn còn là Giám Đốc của Viện Nghiên Cứu
Khoa Học Cao Cấp tại Princeton thuộc tiểu bang New
Jersey. Tại Viện Khảo Cứu của tư nhân này, các nhà
bác học lỗi lạc được tự do tìm tòi, làm sao cho
thiên tài của họ được phát triển tối đa.
Vào năm 1963, Ủy Ban Năng Lượng Nguyên Tử Hoa Kỳ đã
trao tặng ông Robert Oppenheimer phần thưởng Enrico Fermi.
Đây là danh dự cao quý nhất để khen thưởng các đóng
góp của ông vào nền Vật Lý Lý Thuyết. Nhiều người
cho rằng công việc này là một cố gắng của Chính
Phủ Hoa Kỳ để sửa chữa lỗi lầm khi trước. Ông
Robert Oppenheimer về hưu năm 1966 và qua đời vào ngày
18 tháng 2 năm 1967 tại thành phố Princeton vì bệnh ung
thư cổ.
Khi còn sinh thời, ngoài việc nghiên cứu Khoa Học và
viết sách, ông Robert Oppenheimer còn ham thích các môn
Hội Họa và Âm Nhạc. Phải chăng hai Nghệ Thuật này
là các món ăn phụ của các đầu óc Khoa Học phi thường?.
|
|
|
|
|
|
|