Đức: Năng lượng cứu cánh và các ẩn số
Trong bối cảnh chính trị kinh tế phức tạp trong nước, với những những ẩn số khác chưa lường định hết trong bản thân các nguồn điện năng được xem là cứu cánh, liệu "bản án" mới nhất của thượng nghị viện Đức có thực sự đặt dấu chấm hết kỷ nguyên năng lượng nguyên tử trong tương lai nước này?

Năng lượng cứu cánh

Tại kỳ họp ngày 8/7/2011 vừa qua, khi bỏ phiếu thông qua đạo luật với lộ trình 10 năm từ nay đến hết năm 2021 loại bỏ dần điện hạt nhân từ nay đến hết năm 2021, Thượng viện Đức cũng thông qua một loạt các biện pháp bổ sung, thay thế bằng các nguồn điện năng mới khác.

Đức: Năng lượng cứu cánh và các ẩn số
Nhà máy điện hạt nhân Phiillipsburg (Tây nam Đức) với bể làm mát hơi nước bốc cao, nơi tác giả đến hơn 10 năm trước, là đối tượng đóng cửa 10 năm sau
. (Ảnh: Economicnewspaper)

Biện pháp thứ nhất là xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí. Ở nước Đức, loại điện năng phát tán nhiều khí nhà kính gây nên biến đổi khí hậu trái đất này đã chiếm một tỷ lệ lớn, hơn một nửa công suất trên lưới điện quốc gia. Chính xác là nhiệt điện chiếm 56,6%, trong đó 13,2% sử dụng khí; 20,1% sử dụng than đá và 23,3% sử dụng than nâu.

Biện pháp thứ hai là khuyến khích mở rộng “điện xanh”, bao gồm điện gió, điện sinh học, thuỷ điện và điện mặt trời, trong đó điện gió đóng vai trò chủ yếu. Chính phủ Đức đưa ra kế hoạch tăng gấp đôi công suất “điện xanh” của nước Đức trong khoảng từ năm nay 2010 với tỷ lệ 17% đến 10 năm sau 2020 đạt 35%.

Đức: Năng lượng cứu cánh và các ẩn số
Cối xay gió (giữa đảo Bogo, Đan mạch), một trong ngàn vạn chiếc rải rác khắp nơi miền Bắc Âu, tiền thân các nhà máy phong điện ngày nay. 

Hiện nay (số liệu năm 2010), sản lượng điện xanh đạt khoảng 100 TWh, trong tổng sản lượng điện 560 TWh của nước Đức. Thành phần điện xanh phân bố như sau: điện gió chiếm 5.8%, điện sinh học - 4.5%, thủy điện - 3.3%, điện mặt trời - 1.9% ...

Trong chiến lược mới về năng lượng, điện gió được xem là “con át chủ bài”, cứu cánh số một cho nền công nghiệp điện nước Đức trong tương lai sắp tới không có điện hạt nhân . Khả năng công nghệ và năng lực sản xuất điện gió của Đức thuộc loại hàng đầu thế giới. Trong năm 2010, nước Đức chiếm 25% công suất điện gió thế giới và đạt công suất lắp đặt tuôc-bin gió khoảng 27.000 MW, đứng thứ hai chỉ sau nước Mỹ. Đức cũng có tiềm năng xuất khẩu thiết bị điện gió lớn, cung cấp tuôc-bin gió cho nhiều nước trên thế giới; trong đó có Việt nam, riêng năm 2008 thu được 12 tỷ euro tiền xuất khẩu thiết bị.

Về điện mặt trời, nói chính xác là năng lượng mặt trời, với công suất đã lắp đặt 5.400 MW, dù còn khiêm tốn, nhưng năng lực lắp đặt này của Đức lớn hơn các nước như Tây Ban Nha và Nhật Bản.

Hai năm trước đây, năm 2009, các tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Đức phối hợp thành lập một tập đoàn chung (Desertec Industrial Initiative hay DII), nhằm khai thác điện từ ánh sáng mặt trời và gió tại sa mạc Sahara với mục tiêu đến năm 2050 sẽ phân phối cho khu vực Bắc Phi và Cận Đông, đồng thời chuyển tải xuyên lục địa khoảng 15% lượng điện về cung cấp cho các nước châu Âu.

Nặng tâm lý bất an sau những sự cố kinh hoàng mất an toàn hạt nhân bất ngờ xảy ra, viễn cảnh phác ra về một tương lai các nguồn điện cứu cánh, đặc biệt về nguồn điện gió đã có sức hấp dẫn lớn đối với không ít dân chúng các nước và đặc biệt dân chúng nước Đức. Đây cũng chính là yếu tố quyết định khiến cán cân nghiêng hẳn về phía loại bỏ điện hạt nhân ở Thượng nghị viện Đức đầu tháng 7 này.

Ẩn số ở phía trước

Không có gì phải quá nghi ngờ rằng các giải pháp thay thế lỗ hổng do việc từ bỏ điện hạt nhân để lại đã được các nhà hoạch định chính sách nước Đức tranh cãi bàn thảo nhiều. Tuy vậy, cũng không thể khẳng định rằng, mọi tình huống đều đã tính đến dựa trên những căn cứ khoa học hoàn toàn tin cậy và vận mệnh của ngành công nghiệp điện năng quốc gia trong tương lai 30, 20 hay thậm chí 10 năm tới đã được bảo đảm chắc chắn như đã nằm gọn trong lòng bàn tay?

Những yêu tố bất ổn vẫn có thể nhận ra đây đó trong chiến lược và kế hoạch xoá bỏ điện hạt nhân do Thượng nghị viện Đức vừa thông qua.

Trước hết, việc xây dựng hàng loạt nhà máy nhiệt điện mới chạy bằng than và khí, về quan điểm môi trường, quả là một bước lùi hay ít nhất mang tính “trung hạn”. Kế hoạch này, nếu chưa áp dụng công nghệ làm sạch khí thải, thực sự là đi ngược lại xu hướng thế giới sau các hội nghị Kyoto, Copenhagen… Chính các nước EU là những “chiến sĩ” hăng hái với nước Đức là ngọn cờ tiên phong trong công cuộc giảm khối lượng phát thải khí nhà kính đe doạ tăng cường biến đổi khí hậu trái đất, họ đang hướng tới những chỉ tiêu mang tính đột biến: đến năm 2020 giảm 40% lượng phát thải nhà kính so với năm 1990 và đến 2050 giảm triệt để đến 80-95%.

Những chỉ tiêu này, nếu không loại bỏ dần hoặc chí ít không xây thêm các nhà máy nhiệt điện mới, thì chỉ có thể đạt được với những biện pháp công nghệ xử lý khói chứa khí nhà kính. Như vậy kinh phí đầu tư gia tăng thêm, điều này làm giảm một ưu thế về giá thành rẻ của các nhà máy nhiệt điện. Liệu nguồn ngân sách hỗ trợ của nhà nước Đức có sẵn sàng đáp ứng hay liệu người tiêu dùng có sẵn sàng chấp nhận giá điện tăng cao lâu dài so với thời điểm hiện nay hay không?

Bàn về tính kinh tế của các nguồn điện sạch như điện gió và điện mặt trời, nhiều người đã rõ, bản thân chi phí đầu tư khai thác các nguồn năng lượng tái tạo phải chịu giá thành rất cao, cao hơn nhiều so với nhiệt điện. Trong chiến lược phát triển nguồn điện gió lớn đến mức trở thành nguồn điện thay thế cho toàn bộ điện hạt nhân, chưa kể ước vọng gánh một phần đáng kể cho nhiệt điện, quỹ đầu tư cho điện sạch ở một nước công nghiệp phát triển như Đức sẽ lớn kinh khủng.

Với nước Đức, cần tính thêm một đặc thù khác nữa. Trong quy hoạch điện gió, họ dự định sẽ phát triển tập trung ở khu vực phía Bắc, chủ yếu dọc bờ biển Baltic. Việc này lại đòi hỏi xây dựng các hệ thống truyền tải điện năng để chuyển điện từ khu vực phía Bắc tới các khu vực phía Nam. Khoản giá thành đầu tư này hẳn cũng kếch xù.

Đức: Năng lượng cứu cánh và các ẩn số
Các tuabin điện gió trên hòn đảo nhỏ Fehman bên bờ biển Bantic, gần bến cảng Rostok. 

Liệu nền kinh tế Đức, dù rất hùng hậu, có thể đáp ứng nguồn vốn khổng lồ này đến mức nào và các vấn đề tài chính trên đã tính toán kỹ hay vẫn đang để ở dạng ẩn số?

Ngoài ra, vấn đề kết hợp phát triển trong nước và xuất khẩu ra thế giới về công nghệ năng lượng như năng lượng gió và năng lượng mặt trời, và thậm chí năng lượng hạt nhân nữa đối với nước Đức có vai trò rất lớn trong cơ cấu kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng rằng nhu cầu xuất khẩu thiết bị cho các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo có thể sẽ không ổn định. Điều này, nếu xảy ra, kèm theo việc từ bỏ phát triển và xuất khẩu công nghệ hạt nhân, như giới công nghiệp Đức lo lắng, sẽ ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của các tập đoàn công nghiệp Đức. Với vai trò đầu tàu kinh tế của nước này, nó sẽ ảnh hưởng đến cả lợi thế cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế châu Âu. Đây phải chăng cũng là một ấn số lớn nữa, là hệ quả từ quyết sách loại bỏ nền công nghiệp điện hạt nhân của nước Đức?

Cuối cùng, cũng đáng chú ý đến một phương án dự phòng của nước Đức khi loại bỏ năng lượng hạt nhân là phương án nhập khẩu điện năng từ các nước láng giềng. Trên thực tế, Đức đang nhập khẩu điện từ các nước Pháp, Tiệp khắc. Hai nước đang và còn sẽ gắn bó với công nghiệp điện hạt nhân, Pháp vởi tỷ trọng điện hạt nhân gần 80% tổng sản lượng điện quốc gia, còn Tiệp khắc đang vận hành nhà máy điện hạt nhân với lò của Liên Xô (cũ).

Như vậy, dù Đức đã quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân nhưng nước này vẫn phải phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất bởi các nhà máy điện hạt nhân của nước khác. Hơn nữa, dù không xây dựng mới nhà máy điện hạt nhân, thì nước Đức vẫn đã, đang và nhiều khả năng sẽ tiếp tục xuất khẩu công nghệ sản xuất điện hạt nhân? Ở đây có điều gì bất ổn về mặt “tinh thần”, vừa tiềm ẩn cơ hội lớn cho sự trở lại với điện hạt nhân của nước này trong một cơ hội nào đó không thể tuyệt đối loại trừ. Một quỹ đạo hình chữ U hay chữ gì bí ẩn khác liệu hoàn toàn không xuất hiện nữa đối với nền công nghiệp hạt nhân nước Đức?

Thật khó nói là tất cả mọi khả năng đều đã đóng sập cửa. Bí ẩn đang ở phía trước. Chỉ thời gian có thể trả lời, như câu thường nói ở phương Tây - The time will tell!

(Nguồn: Theo VietNamNet (Berlin) )