Bệnh tay, chân, miệng là một dạng nhiễm trùng gây phát ban trên bàn tay, bàn chân và lở loét đau đớn ở miệng. Trong một số trường hợp, bệnh còn dẫn đến biến chứng là nhiễm trùng não, có thể gây tử vong.
Kết quả một cuộc thử nghiệm đối với khoảng 10.000 trẻ em cho thấy, vắc-xin của Trung Quốc hiệu quả tới 90% trong việc chống lại một trong các loại virus gây bệnh tay, chân, miệng. Tuy nhiên, loại vắc-xin này không có khả năng phòng ngừa trước các loại virus gây bệnh còn lại.
Nhiễm trùng gây phát ban trên bàn tay và bàn chân cũng như loét miệng. (Ảnh: Top News)
Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y học Lancet, đợt bùng phát dịch tay, chân, miệng năm 2009 ở Trung Quốc đã tấn công 1,2 triệu người. Gần 14.000 người có các biến chứng phức tạp và 353 trường hợp tử vong.
Các nhà nghiên cứu ở tỉnh Giang Tô và thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã thử nghiệm loại vắc-xin mới, vốn được bào chế từ enterovirus 71 (EV71) bất hoạt.
"Việc nhiễm EV71 được quan tâm đặc biệt vì nó có thể gây ra tình trạng bệnh tay, chân, miệng nghiêm trọng và thậm chí tử vong ở trẻ em. Vắc-xin phòng virus EV71 có thể giúp ngăn chặn các ca bệnh nặng hoặc phải nhập viện", trích tuyên bố của các nhà nghiên cứu.
Bệnh tay, chân, miệng còn do nhiều virus khác gây ra, chẳng hạn như Coxsackievirus A16 hoặc thậm chí các chủng EV71 khác, nên vắc-xin mới không thể loại bỏ được bệnh hoàn toàn. Bản thân các nhà bào chế Trung Quốc cũng khuyến cáo, vắc-xin EV71 có thể chẳng giúp ích được nhiều trong việc giảm tổng số ca bệnh tay, chân, miệng, ngay cả khi nó được tiêm chủng diện rộng cho trẻ em trên toàn thế giới.
Bình luận về nghiên cứu, tiến sĩ Nigel Crawford và tiến sĩ Steve Graham thuộc Đại học Melbourne (Australia) cho rằng, vắc-xin mới được bào chế nhằm phòng ngừa một chủng virus gây bệnh thống trị ở Trung Quốc.
"Ảnh hưởng quan trọng của loại vắc-xin này sẽ là giảm số ca mắc tay, chân, miệng phải nhập viện - một công dụng vô cùng có ý nghĩa của nhiều loại vắc-xin. Bước tiếp theo sẽ là đánh giá tính khả thi của việc đưa vắc-xin EV71 vào chương trình tiêm chủng quốc gia của Trung Quốc", một trong hai chuyên gia nói.