Viễn cảnh nhân bản con người
Không ít người đang lo lắng về viễn cảnh sẽ có một người nhân bản ra đời nhân danh khoa học.

Dù mới nghe qua, việc tạo con người bằng cách nhân bản chẳng khác nào hành động báng bổ, đi ngược lại luân thường đạo lý và quan niệm đạo đức từ Á sang Âu, giới chuyên gia cho rằng về mặt sinh học, vẫn có thể tạo ra một phiên bản người y chang thật mà không cần mang nặng đẻ đau. Tuy nhiên, ngay cả khi vấn đề đạo đức tạm gác sang một bên, nội nguồn lực dùng để tạo ra một con người thực thụ vẫn là một rào cản khó vượt qua.

Kể từ thập niên 1950, khi các nhà nghiên cứu nhân bản thành công một con ếch, từ đó đến nay giới chuyên gia đã “sản xuất” hàng chục loài động vật, trong đó có chuột, mèo, cừu, heo và bò. Trong mỗi trường hợp, họ luôn vấp phải những vấn đề cần được vượt qua, theo Fox News dẫn lời tiến sĩ Robert Lanza của Hãng công nghệ sinh học Advanced Cell Technology, hoạt động trong lĩnh vực liệu pháp tế bào để điều trị bệnh tật cho người và nhân bản động vật. Với chuột, các nhà nghiên cứu có thể sử dụng hàng ngàn trứng, và thực hiện nhiều cuộc thí nghiệm để tìm cách xử lý những lỗi trong quá trình thực hiện. “Nó giống như là một trò chơi đếm số”, theo tiến sĩ Lanza. Tuy nhiên, ở trường hợp linh trưởng, trứng là nguồn nguyên liệu hết sức hiếm hoi và không dễ dàng có sẵn mà thực hiện thí nghiệm.

Viễn cảnh nhân bản người
Về lý thuyết, có thể nhân bản con người - (Ảnh: AFP)

Bên cạnh đó, họ không thể chỉ đơn giản áp dụng những điều học được qua việc nhân bản chuột hoặc bò để chuyển sang con người. Ví dụ, nhân bản động vật yêu cầu các nhà nghiên cứu đầu tiên phải bỏ nhân tế bào trứng. Khi thực hiện công đoạn này, họ đồng thời loại hết các protein cần thiết để hỗ trợ sự phân chia tế bào. Đây không phải là vấn đề ở chuột, do noãn được tạo ra vẫn đủ sức sản sinh những protein này một lần nữa. Tuy nhiên, linh trưởng không thể làm được điều đó, và các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến nỗ lực nhân bản khỉ thất bại. Chưa hết, nhân bản động vật thường dẫn đến đủ dạng bất thường về gene, ngăn chặn việc cấy noãn vào tử cung, hoặc khiến phôi bị đào thải, hoặc đối tượng thí nghiệm chết ngay sau khi sinh.

Những tình trạng bất thường này khá phổ biến khi nhân bản động vật do các phôi được cấy chỉ có một cha/mẹ thay vì cả hai như trong trường hợp thụ thai tự nhiên. Điều này có nghĩa là quá trình phân tử được gọi là “in dấu bộ gene” không diễn ra theo trình tự đúng ở phôi nhân bản. Gặp trục trặc ở khâu này có thể dẫn đến việc nhau to hơn bình thường gấp nhiều lần, làm cản trở quá trình tuần hoàn máu cho bào thai. Trong một cuộc thí nghiệm, tiến sĩ Lanza và đồng sự đã nhân bản một loài gia súc gọi là bò rừng banteng. Và con vật đã sinh ra với kích thước gấp đôi bình thường, buộc nhóm chuyên gia phải thực hiện cái chết êm ái cho nó.

Ngoài các vấn đề luân lý thông thường, tỷ lệ tử vong cực cao và nguy cơ phát triển dị hình dị dạng càng khiến công tác nhân bản đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ xã hội. “Cũng giống như tống con mình lên quả tên lửa và biết rằng xác suất nổ tung là 50-50. Rõ ràng hết sức phi đạo đức”, tiến sĩ Lanza kết luận.

(Nguồn: Thanh Niên )