Cách đây 2 năm, các nhà nghiên cứu của Đại học Lund (Thụy Điển) đã lập trình lại tế bào da người thành tế bào thần kinh tạo ra dopamine mà không cần trải qua giai đoạn tế bào gốc.
Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia trên đã tiến thêm một bước, cho thấy có thể tái lập trình trực tiếp cả tế bào da và tế bào hỗ trợ thành tế bào thần kinh, ở địa điểm bên trong não bộ.
“Phát hiện mới có tiềm năng mở ra những phương pháp thay thế cho việc cấy ghép tế bào trong tương lai. Theo đó sẽ dỡ bỏ những rào cản trước đây trong công tác nghiên cứu, chẳng hạn như rất khó bắt não chấp nhận những tế bào ngoại lai, và đối mặt nguy cơ phát triển khối u”, theo RedOrbit dẫn lời chuyên gia trong nhóm nghiên cứu Malin Parmar.
Trong cuộc nghiên cứu, gien được thiết kế để có thể kích hoạt hoặc tắt bằng một loại thuốc đặc biệt đã được chèn vào 2 dạng của tế bào hỗ trợ hiện diện tự nhiên bên trong não, gọi là nguyên bào sợi và tế bào thần kinh đệm.
Khi các chuyên gia cấy tế bào đó của người vào não chuột, các gien được kích hoạt bằng thuốc pha trong nước uống của các con vật, kết quả là các tế bào bắt đầu chuyển thành tế bào thần kinh.
Hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục phát triển một kỹ thuật cho phép tạo ra tế bào thần kinh mới, thay thế chức năng của các tế bào bị tổn hại mà không phải can thiệp trực tiếp bằng cách cấy ghép.