BBC liệt kê danh sách những phát minh
khiến nhiều người chết nhất trong lịch sử hiện đại. Chúng bao gồm thuốc
lá, súng trường AK-47, bom hạt nhân và thuốc nổ dynamite.
Thuốc lá
Các kết quả thống kê cho thấy, mỗi năm 1,1 triệu người chết vì ung thư phổi và 85% người trong số đó hút thuốc lá.
"Sản phẩm giết nhiều người nhất trong lịch sử nhân loại là thuốc lá. Nó đã cướp khoảng 100 triệu sinh mạng trong thế kỷ 20", Robert Proctor, một nhà nghiên cứu của Đại học Stanford tại Mỹ, khẳng định.
Jordan Goodman, tác giả của cuốn sách "Tobacco in History" (Thuốc lá trong lịch sử), nói rằng ông rất thận trọng trong việc tìm người chịu trách nhiệm đối với sự ra đời của thuốc lá.
"Nhưng tôi có thể nói rằng thuốc lá
trở nên phổ biến trong thế kỷ 20 nhờ một người Mỹ có tên James Buchanan
Duke. Người này không chỉ tạo ra thuốc lá, mà còn đóng vai trò tiên
phong trong hoạt động tiếp thị và phân phối khiến thuốc lá xuất hiện
trên mọi lục địa", Goodman nói.
Ông Jame Buchanan Duke.
Vào năm 1880, ở tuổi 24, Duke đã phát
minh thuốc lá cuốn và sản xuất nó tại một nhà máy ở thành phố Durham,
bang North Carolina, Mỹ. Nhờ đầu tư những khoản tiền khổng lồ cho hoạt
động quảng cáo và tài trợ cuộc thi sắc đẹp, chẳng bao lâu Duke đã khiến
hàng triệu người trên thế giới mê mẩn thuốc lá, bởi họ nghĩ nó là biểu
tượng của phong cách hiện đại. Mãi tới năm 1957, các nhà khoa học tại
Anh mới tìm ra mối liên hệ giữa bệnh ung thư phổi và thuốc lá. 7 năm sau
các nhà khoa học Mỹ xác nhận các hóa chất trong thuốc lá gây ung thư
phổi.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo khoảng 100 triệu người sẽ chết vì các bệnh liên quan tới thuốc lá trong vòng 30 năm nữa.
Súng trường AK-47
Mikhail Kalashnikov cùng khẩu súng trường AK-47 do ông thiết kế.
Khoảng 100 triệu khẩu súng trường
Kalashnikov, hay AK-47, đang được sử dụng trên toàn thế giới. Với số
lượng ấy, AK-47 là vũ khí gây sát thương phổ biến nhất. Nó là vũ khí cá
nhân tiêu chuẩn của hơn 60 quân đội quốc gia. Nhiều nước còn trang bị
AK-47 cho cảnh sát và lực lượng biên phòng. Các lực lượng nổi dậy và tổ
chức khủng bố cũng rất thích AK-47.
Mikhail Kalashnikov, người phát minh
súng AK-47, từng nói rằng sản phẩm của ông đã trở thành loại súng mà các
đội quân du kích trên thế giới ưa thích. Nhưng ông không thừa nhận
trách nhiệm về việc nó giết quá nhiều người.
"Những người phát minh không phải
chịu trách nhiệm về mục đích sử dụng vũ khí của người khác. Các chính
phủ phải kiểm soát hoạt động sản xuất và xuất khẩu vũ khí", ông nói.
Bom nguyên tử
Đám mây khổng lồ hình nấm bốc lên từ vụ nổ bom nguyên
tử tại thành phố Nagasaki, Nhật Bản vào ngày 9/8/1945.
Người ta gọi hai nhà vật lý J Robert Oppenheimer và Enrico Fermi là "cha của bom nguyên tử". Oppenheimer
đóng vai trò quan trọng trong dự án Manhattan, chương trình chế tạo bom
nguyên tử đầu tiên do Mỹ thành lập. Ông cảm thấy ân hận sau khi nhận ra
khả năng giết người khủng khiếp của bom nguyên tử tại hai thành phố
Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945. Sau chiến tranh ông trở
thành trưởng nhóm cố vấn của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ. Chức vụ
này giúp ông thực hiện các hoạt động vận động hành lang nhằm ngăn chặn
sự phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Thuốc nổ
Tiến sĩ Alfred Nobel, người phát minh thuốc nổ dynamite.
Alfred Nobel, một nhà hóa học Thụy Điển,
là người phát minh thuốc nổ dymanite. Vào năm 1888, một tờ báo tại Pháp
đã đăng cáo phó sớm về cái chết của ông. Khi đọc cáo phó, Nobel cảm
thấy sửng sốt với dòng chữ: "Kẻ buôn cái chết đã qua đời. Tiến sĩ
Alfred Nobel, người trở nên giàu nhờ tìm ra cách giết người nhanh chóng
hơn bao giờ hết, đã qua đời hôm qua". Có lẽ cáo phó ấy đã thôi thúc
Nobel dành phần lớn tài sản có giá trị 2,69 triệu (tương đương 301
triệu USD ngày nay) vào việc thành lập các giải thưởng Nobel.