Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tại
Mỹ lập dự án nghiên cứu phương pháp sản xuất nhiên liệu từ vi khuẩn. Mục
tiêu của dự án là tạo ra loại nhiên liệu hiệu quả gấp 10 lần so với
nhiên liệu sinh học hiện tại. Các nhà nghiên cứu đã hoán đổi các gene
của vi khuẩn R. eutropha để nó có thể tạo ra isobutanol - một loại cồn
có thể thay thế hoặc trộn với xăng dành cho phương tiện giao thông, Innovation News Daily đưa tin.
Vi khuẩn R. eutropha
"Chúng tôi đã chứng minh rằng loài người có thể sản xuất rất nhiều isobutanol trong tương lai", Christopher Brigham, một nhà sinh học của MIT, tuyên bố.
Nhiều nhà khoa học từng nghiên cứu những
vi khuẩn tạo ra nhiên liệu sinh học trong cơ thể chúng. Tuy nhiên, họ
phải tiêu diệt vi khuẩn để lấy nhiên liệu. Nhóm chuyên gia của MIT không
giết vi khuẩn, bởi họ đã tìm ra cách để vi khuẩn tiết nhiên liệu ra
ngoài cơ thể chúng.
Vi khuẩn trong tự nhiên tích trữ carbon
bằng cách tạo ra các polymer carbon - hợp chất giống loại nhựa được sản
xuất từ dầu. Brigham và các cộng sự loại bỏ nhiều gene của vi khuẩn R.
eutropha, đồng thời thêm một số gene để chúng tổng hợp isobutanol thay
vì polymer carbon.
Nhóm nghiên cứu hy vọng vi khuẩn R. eutropha có thể chuyển hóa carbon dioxide (CO2) thành nhiên liệu. Đây là một trong những cách tận dụng khí gây hiệu ứng nhà kính CO2
để sản xuất nhiên liệu và giảm tốc độ ấm lên của trái đất. Ngoài ra,
nhóm nghiên cứu cũng tính tới khả năng tận dụng carbon từ các nguồn
khác, như rác nông nghiệp và chất thải đô thị.