| Hành tinh song sinh của sao Mộc quay quanh một mặt trời rất giống hệ Mặt Trời. Ảnh: ESO/M. Kornmesser. |
UPI hôm qua đưa tin, thông qua dữ liệu từ kính viễn vọng cao 3,6 mét ở Trạm quan sát phía nam châu Âu, các nhà nghiên cứu gần đây đã xác định được hành tinh khí giống sao Mộc quay quanh một mặt trời gần giống hệ Mặt Trời của chúng ta. Hành tinh khí khổng lồ này không chỉ giống sao Mộc về trọng lượng, kích thước và thành phần, mà còn quay quanh một ngôi sao ở khoảng cách tương tự như giữa sao Mộc và Mặt Trời. Ngôi sao mà hành tinh song sinh của sao Mộc xoay quanh mang tên HIP 11915, cũng sở hữu trọng lượng, tuổi và thành phần cấu tạo giống Mặt Trời. Thành phần cấu tạo của HIP 11915 và khoảng cách của hành tinh song sinh trên đã khiến các nhà nghiên cứu tin rằng hệ mặt trời mới này có thể đã tiến hóa với một nhóm hành tinh, bao gồm những hành tinh đất đá tự xoay quanh quỹ đạo như Trái Đất. Các sứ mệnh nghiên cứu hành tinh ngoài hệ Mặt Trời đã tìm thấy hàng loạt hệ mặt trời khác trong vũ trụ. Tuy nhiên, những hệ mặt trời dễ thấy nhất, được quan sát thường xuyên nhất, thường bao gồm các hành tinh lớn xoay quanh một ngôi sao ở quỹ đạo hẹp. Các hành tinh này che mất ánh sáng của ngôi sao nên rất dễ xác định và nhận biết, nhưng khả năng tìm thấy hành tinh giống Trái Đất rất thấp. Sau hai thập kỷ tìm kiếm, cuối cùng chúng ta cũng phát hiện các hành tinh khí khổng lồ tương tự những hành tinh trong hệ Mặt Trời nhờ công cụ trợ giúp như thiết bị đo độ dao động của ngôi sao HARPS,” Megan Bedell, một nhà thiên văn ở Đại học Chicago chia sẻ. |