Ảnh minh họa: brighterfuturechallenge.com.
Đây là kết quả công trình nghiên cứu quốc tế đăng tải trên tạp chí Khoa học Địa lý Tự nhiên (Nature Geoscience) của Anh vào ngày 21/4.
Các nhà nghiên cứu tập hợp dữ liệu thời tiết cũng như các chỉ số thể hiện những thiết bị chỉ báo theo dõi biến đổi nhiệt độ từ vân gỗ, phấn hoa, san hô, trầm tích ở hồ và biển, lõi băng và măng đá thu thập từ 511 địa điểm trên khắp 7 khu vực lục địa toàn cầu.
Nghiên cứu khí hậu quy mô lớn với khoảng thời gian kéo dài hai thiên niên kỷ, cho thấy "xu hướng thời tiết mát mẻ lâu dài" của "hành tinh xanh" bị đảo ngược vào cuối thế kỷ 19, trừ Nam Cực.
Trong thế kỷ 20, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 0,4 độ C so với nền nhiệt trung bình 500 năm trước. Từ năm 1971-2000, trái đất trải qua thời kỳ nóng hơn so với mọi giai đoạn trong vòng 1.400 năm qua.
Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý rằng đánh giá này dựa trên kết quả tính toán trung bình toàn cầu, trong khi một số khu vực có thể đã trải qua thời kỳ nóng hơn, song chỉ trong một thời gian ngắn. Ví dụ, có thể châu Âu từng ấm hơn trong thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên so với thời điểm cuối thế kỷ 20.
Các nghiên cứu trước đây về biến đổi khí hậu đã chỉ ra sự "tăng tốc" của nhiệt độ trong thế kỷ 20, chủ yếu do sự gia tăng của lượng khí thải dioxide carbon (CO2) từ hoạt động đốt than, dầu và khí đốt của con người. Xu hướng ấm lên đã biểu hiện qua thiết bị đo nhiệt độ giữa những năm 70 của thế kỷ trước, tương ứng với mức phát thải khí CO2 cao kỷ lục.
Năm 2012 là năm thứ 36 liên tiếp con người phải chứng kiến nhiệt độ toàn cầu tăng trên mức trung bình kể từ năm 1880, khi những hồ sơ nghiên cứu khoa học đầu tiên về khí hậu được công bố.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nghiên cứu quy mô lớn lần này là nỗ lực đầu tiên để tái tạo lại nền nhiệt độ hơn 2.000 năm qua ở các lục địa riêng rẽ. Đây là một phần câu trả lời giúp làm sáng tỏ một khía cạnh vốn đang là đề tài tranh cãi lâu nay của giới khoa học về hiện tượng trái đất ấm dần lên.