| Hình minh họa chùm tia gamma phát sinh trong một cơn bão. Ảnh: NASA. |
Giới khoa học đã biết bão có thể tạo nên những chùm tia gamma rất mạnh. Những chùm tia này chỉ tồn tại trong thời cực ngắn. Chúng xuất hiện ở những độ cao mà phi cơ thương mại thường di chuyển (từ 9 tới 12 km). Độ sáng của chùm lớn đến nỗi những thiết bị cách chúng vài trăm km có thể phát hiện chúng. Thế nhưng giới chuyên gia lại gọi chúng là "tia chớp tối", Science Daily đưa tin. Các nhà khoa học của Viện Công nghệ Florida tại Mỹ đã xây dựng một mô hình vật lý để tính toán tác động của những tia chớp tàng hình đối với cơ thể người trong phi cơ. Mô hình cho thấy, nếu phi cơ di chuyển gần đỉnh của cơn bão, lượng phóng xạ mà cơ thể người tiếp nhận từ chớp tối tương đương với 10 lần chụp ngực bằng tia X, hay một năm phơi nhiễm phóng xạ ở mặt đất. Nếu phi cơ bay ở giữa cơn bão, lượng phóng xạ mà hành khách nhận có thể tương đương 10 lần lượng phóng xạ khi chúng ta chụp cắt lớp toàn bộ cơ thể. "Mặc dù các phi công luôn tìm mọi cách để tránh bão, nhiều phi cơ vẫn thường xuyên lọt vào trong bão. Trong một số trường hợp, rất có thể vài trăm người nhận một lượng phóng xạ khổng lồ từ tia chớp tối nhưng họ không hề biết", Joseph Dwyer, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu. Nhóm nghiên cứu nói thêm rằng lượng bức xạ mà cơ thể người nhận từ tia chớp tối không đủ lớn để có thể gây tác hại. "Mọi người không nên lo ngại về phóng xạ từ tia chớp tối. Nó không phải là lý do để chúng ta tránh di chuyển bằng máy bay", Dwyer bình luận.
|