Sử dụng kính viễn vọng cực lớn thuộc Đài quan sát Nam Âu (ESO) tại Paranal, một nhóm các chuyên gia quốc tế đã nghiên cứu đĩa khí và bụi xung quanh ngôi sao trẻ HD 100546, cách Trái đất khoảng 335 năm ánh sáng.
Một đĩa khí được phát hiện xung quanh ngôi sao trẻ HD 100546 - (Ảnh: ESA)
Dưới con mắt người thường, hình ảnh trên chẳng khác gì một đốm màu được bao quanh bởi khí và bụi, nhưng giới thiên văn học cho hay đó chính là hình ảnh khai sinh một hành tinh khí khổng lồ.
Các chuyên gia ước tính phôi hành tinh trên sẽ tiếp tục thu thập vật liệu từ đĩa khí và bụi trong hơn 1 triệu năm nữa, trước khi trở thành một hành tinh như sao Mộc.
Theo trưởng dự án nghiên cứu Sascha Quanz, cho đến nay sự hình thành hành tinh luôn là đề tài được thảo luận trên các mô hình máy tính. Nếu phát hiện trên đích thực là một quá trình khai sinh hành tinh, đây sẽ là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể nghiên cứu quy trình này trên thực tế.
Trước đó, một hành tinh khổng lồ khác cũng được phát hiện cách sao trung tâm ở khoảng cách gấp 6 lần từ Trái đất đến mặt trời.
Nghiên cứu này đã được đăng tải trên số mới nhất của chuyên san Astrophysical Journal Letters.