Ấn Độ phóng vệ tinh theo dõi tiểu hành tinh
Tối 25-2, Ấn Độ đã phóng thành công 7 vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất, trong đó một vệ tinh của Canada có nhiệm vụ phát hiện các tiểu hành tinh có khả năng va chạm với Trái đất.


Theo Press Trust of India, vệ tinh này có tên gọi Sapphire, bay quanh Trái đất một vòng hết 100 phút. Ngoài nhiệm vụ tìm kiếm các tiểu hành tinh có thể tới gần Trái đất, nó còn theo dõi các sao chổi và mảnh vỡ trong không gian có thể gây ra các vụ va chạm.

Sáu vệ tinh còn lại gồm hai vệ tinh Argos, Altika của Cơ quan không gian Pháp (CNES) có nhiệm vụ nghiên cứu các thông số đại dương nhằm tăng cường sự hiểu biết về các trạng thái đại dương; hai vệ tinh Unibrite và Brite của Áo; vệ tinh Aausat3 của Đan Mạch và vệ tinh Strand của Anh.

Các vệ tinh được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Sriharikota ở bang Andhra Pradesh (miền nam Ấn Độ) bằng tên lửa đẩy PSLV do Ấn Độ sản xuất. Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) cho biết chuyến phóng bị hoãn 5 phút để tránh khả năng va chạm rác vũ trụ.

Ấn Độ hiện là một trong những nước lớn trên thị trường phóng vệ tinh thương mại. Kể từ năm 1999, Cơ quan không gian nước này đã phóng tổng cộng 35 vệ tinh nước ngoài lên quỹ đạo, trong đó tên lửa đẩy PSLV mang lên quỹ đạo 10 vệ tinh nước ngoài.

(Nguồn: )