Một nhóm các chuyên gia quốc tế đến từ Thụy Điển, Pháp, Đức và Úc đã sử dụng Mạng Khối Kính viễn vọng Úc tại New South Wales để đo tình trạng nhiệt độ của vũ trụ khi nó chỉ bằng phân nửa số tuổi hiện tại. “Đây là sự đo đạc chính xác nhất từng thực hiện về tình trạng nguội đi của vũ trụ trong suốt 13,77 tỉ năm lịch sử của nó”, theo Space.com dẫn lời Robert Braun của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Úc. Mạng Khối Kính viễn vọng Úc tại New South Wales - Ảnh: CSIRO
|
Các nhà thiên văn học đã nhìn vào ánh sáng đang di chuyển phân nửa chiều dài vũ trụ, có nghĩa là ánh sáng đó khởi đầu cuộc hành trình về hướng Trái đất khi vũ trụ mới được 50% số tuổi như hiện nay. Họ nghiên cứu chất khí trong thời điểm vũ trụ cách đây 7,2 tỉ năm ánh sáng, chỉ được giữ ấm bằng bức xạ nền của vũ trụ, tức sức nóng còn lại từ sự kiện Big Bang. Lý thuyết Big Bang về sự hình thành vũ trụ cho rằng nhiệt độ bức xạ nền của vũ trụ sẽ giảm dần khi vũ trụ giãn nở. Và đó là điều các chuyên gia đã quan sát được, theo trưởng nhóm nghiên cứu Sebastien Muller thuộc Đại học Công nghệ Chalmers (Thụy Điển). “Vũ trụ cách đây vài tỉ năm ấm hơn vài độ so với hiện tại, giống như thuyết Big Bang dự đoán”, theo Muller.
|