Chỉ vài giây sau khi hạ cánh xuống hành tinh Đỏ hôm 6/8, Curiosity đã chụp một bức ảnh bề mặt sao Hỏa, trong đó có một vệt đen “lờ mờ song dễ phân biệt”,
theo tờ Los Angeles Times. Điều kỳ lạ là vệt đen này đã biến mất trong
một loạt các bức ảnh được chiếc xe tự hành chụp sau đó hai tiếng đồng
hồ.
Chi tiết này đã khơi gợi sự hứng thú của
những người đam mê vũ trụ. Trong đó, không ít ý kiến hồ hởi cho rằng
Curiosity đã tìm thấy dấu hiệu của người ngoài hành tinh ngay từ những
giây đầu tiên đáp xuống sao Hỏa trong sứ mệnh săn tìm dấu tích sự sống
tại đây.
Tuy nhiên, có một cách giải thích được
nhiều người chấp nhận là Curiosity bằng một cách nào đó đã chụp một bộ
phận tách ra và rơi ở đằng xa trong quá trình đáp xuống sao Hỏa.
Vệt đen bí ẩn trong bức ảnh đầu tiên của Curiosity - (Ảnh: NASA/AFP)
Những người khác thì đặt ra các giả
thiết khả thi hơn rằng: vệt đen chỉ đơn giản là vết bẩn trên ống kính
hoặc một đám bụi ở đằng xa.
Giả thiết vệt đen là bộ phận hạ cánh có tên “cần cẩu trời” được hỗ trợ bởi những hình ảnh mà Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ công bố sau đó.
Trong bức ảnh hiện trường vụ hạ cánh do
một vệ tinh của NASA chụp lại, Curiosity được nhìn thấy nằm trên bề mặt
cùng với các bộ phận của con tàu văng ra trong quá trình hạ cánh.
Bức ảnh bao gồm tấm chắn nhiệt bảo vệ
chiếc xe tự hành khi lao vào bầu khí quyển sao Hỏa và một chiếc dù giảm
tốc. Ngoài ra còn có “cần cẩu trời” vốn được sử dụng trong quá trình hạ cánh.
Vị trí các bộ phận tách ra trong quá trình hạ cánh - (Ảnh: NASA/Reuters)
Bức ảnh cho thấy “cần cẩu trời”
rơi xuống bề mặt ở khoảng cách hơn 600 mét theo như tính toán trước đó
và nằm cùng hướng với camera của Curiosity khi thiết bị này chụp bức ảnh
đầu tiên có chứa vệt đen.
Bức ảnh vệ tinh cũng cho thấy “cần cẩu trời” đã làm dấy lên một đám bụi khi nó đâm xuống bề mặt sao Hỏa.
Dẫu vậy, người quản lý sứ mệnh của
Curiosity Michael Watkins phải thừa nhận với tờ Los Angeles Times rằng
nếu điều này là sự thật, đó sẽ là sự trùng hợp khó tin.