National Geographic
đưa tin một số nhà thiên văn quốc tế dùng hai kính thiên văn không gian
Chandra (có khả năng thu nhận tia X) và SWIFT (có khả năng thu nhận tia
gamma) của Mỹ để theo dõi một vật thể cực sáng cách trái đất gần 300
triệu năm ánh sáng mà họ vô tình phát hiện vào năm 2009. Họ gọi vật thể
này là HLX-1.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy HLX-1 phóng ra vô số chùm tia X và bức xạ radio mạnh.
Hố đen cỡ vừa (được khoanh tròn trong ảnh) nằm
trong các chòm sao. (Ảnh: National Geographic)
“Kết quả quan sát của chúng tôi
trong năm 2009 và 2010 cho thấy HLX-1 gây nên những tác động giống hố
đen cỡ nhỏ, song có kích cỡ lớn hơn. Nó là một đại diện của những hố đen
cỡ vừa”, Natalie Webb, một chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Bức xạ vũ trụ tại Pháp và là trưởng nhóm nghiên cứu HLX-1, cho biết.
Vùng trong không gian có trường hấp dẫn
mạnh đến nỗi mọi dạng vật chất, kể cả ánh sáng, không thể thoát ra khỏi
mặt biên của nó được gọi là hố đen. Với khối lượng gấp từ hàng triệu tới
hàng tỷ lần mặt trời, những hố đen siêu lớn ẩn nấp ở trung tâm của các
thiên hà như những con mãnh thú và nuốt chửng những thiên thể tới quá
gần chúng. Vì thế nhiều người ví hố đen như những con quỷ đói hung dữ và
phàm ăn.
Trong nhiều thập kỷ qua giới khoa học
tin rằng hố đen có hai loại: khổng lồ và nhỏ. Những hố đen nhỏ có khối
lượng gấp vài lần mặt trời, còn các hố đen khổng lồ đủ lớn và mạnh để
“nuốt” toàn bộ Thái Dương Hệ.
Những hố đen siêu lớn nằm ở trung tâm
của phần lớn thiên hà, bao gồm cả dải Ngân Hà. Chúng xé toạc và nuốt
chửng các ngôi sao. Hố đen cỡ vừa có khối lượng ở khoảng giữa hai loại
trên, nghĩa là chúng có khối lượng gấp tối thiểu 90.000 mặt trời.
Webb cho rằng, rất có thể những hố đen
cỡ vừa trú ngụ ở trung tâm của những chòm sao lớn, nơi hàng trăm nghìn
ngôi sao di chuyển sát nhau bởi tác động của lực hấp dẫn. Ngoài ra, có
thể chúng là tàn dư của vũ trụ từ thuở sơ khai.
“Trong giai đoạn bình minh của vũ
trụ, có lẽ những ngôi sao siêu lớn có khối lượng tương đương vài chục
nghìn lần mặt trời của chúng ta. Tuy lớn song những ngôi sao ấy có vòng
đời rất ngắn. Sau khi chết chúng biến thành hố đen cỡ vừa”, Webb giải thích.
Sự tồn tại của hố đen cỡ trung bình có
thể giúp giới khoa học giải thích quá trình hình thành của hố đen siêu
lớn. Chẳng hạn, Webb nghi ngờ hố đen siêu lớn được tạo nên từ hố đen cỡ
vừa.
Khi một hố đen trung bình “nuốt” một lượng vật chất có khối lượng tương đương ít nhất một triệu lần mặt trời, nó sẽ biến thành hố đen siêu lớn.
“Hoặc cũng có thể một số hố đen
trung bình sáp nhập vào nhau từ hàng tỷ năm trước để tạo thành hố đen
siêu lớn mà chúng ta thấy ngày nay”, Webb nói.