Dải Ngân hà “đang rung như một cái chuông”
Đó là kết luận của một nhóm nhà thiên văn học Canada và Mỹ, dựa trên các phát hiện cho thấy Dải Ngân hà có thể đã chạm trán với một thiên hà vệ tinh hoặc một cấu trúc lớn của vật chất tối cách đây khoảng 100 triệu năm.

Chứng cứ của suy đoán trên đến từ kết quả rút ra của cuộc Khảo sát Bầu trời Kỹ thuật số (SDSS) được thực hiện bởi viễn vọng kính quang học góc độ rộng đặt tại Đài quan sát đỉnh Apache tại New Mexico (Mỹ).

Những bộ lọc hình ảnh khác nhau từ SDSS có thể cung cấp đủ thông tin cho phép giới thiên văn học phân loại từng vật thể trên bầu trời.

Biểu đồ cho thấy vị trí của Dải Ngân hà với các thiên hà vệ tinh
Biểu đồ cho thấy vị trí của Dải Ngân hà với các thiên hà vệ tinh - (Ảnh: ĐH Nữ hoàng)

Trong cuộc nghiên cứu này, các chuyên gia thuộc Đại học Nữ hoàng (Canada) đã tập trung quan sát chuyển động tương đối của các ngôi sao trong quá trình di chuyển bên trong Dải Ngân hà, với tốc độ từ 20 đến 30km/giây, theo CBC News.

Dữ liệu do SDSS thu thập được cho thấy các chuyển động lên xuống của những ngôi sao không đồng loạt như người ta vẫn tưởng, mà thay vào đó chúng rung chuyển giống như đang ở bên trong một cái chuông trong quá trình rung.

Theo chuyên gia Brian Yanny của Fermilab (Mỹ), thiên hà của chúng ta đã va chạm với cái gì đó (có thể là một thiên hà vệ tinh hoặc vật chất tối) và nó “đang rung lên như một cái chuông”.

Còn Susan Gardener, giáo sư vật lý của Đại học Kentucky (Mỹ), cho rằng quá trình chuyển động rung của các ngôi sao có thể đang diễn ra chứ không phải do một tác động đơn lẻ nào trong quá khứ.

Theo mô hình máy tính, Dải Ngân hà sẽ ngưng “rung” trong khoảng 100 triệu năm tới, miễn nó không va chạm với bất cứ vật chất nào nữa trong thời gian này.

(Nguồn: Thanh nien )