Xác định hai ngôi sao lùn cổ xưa nhất trong vũ trụ
Phó giáo sư chuyên ngành vật lý học và thiên văn học tại Đại học Oklahoma (Mỹ) ông Mukremin Kilic cùng các đồng nghiệp đã xác định được hai ngôi sao lùn trắng được cho là già nhất và gần với Trái Đất nhất từng biết đến từ trước tới nay.

Được đặt tên là WD 0346+246 SDSS J110217, 48+411315.4 (J1102), hai ngôi sao này lần lượt nằm trong các chòm sao Kim Ngưu (Taurus) và Đại Hùng (Ursa Major).

Các nhà thiên văn học xác định những ngôi sao lùn trắng nói trên được hình thành từ 11 đến 12 tỷ năm trước và cách Trái Đất chỉ 100 năm ánh sáng.

Chúng là ví dụ về những ngôi sao già nhất và gần nhất trong vũ trụ được hình thành sau Big Bang.

Ông Kilic nói rằng một ngôi sao lùn trắng giống với một chiếc bếp lò nóng rực. Một khi bếp tắt, nó sẽ nguội dần theo thời gian. Bằng việc xác định chiếc lò đã nguội đến độ nào, chúng ta có thể biết được nó đã tắt được bao lâu.

Hai ngôi sao mà chúng tôi xác định được này đã nguội được hàng tỷ năm.

Ông Kilic giải thích thêm sao lùn trắng chính là lõi bị đốt cháy hết của những ngôi sao giống với mặt trời.

Trong khoảng 5 tỷ năm nữa, Mặt Trời cũng sẽ bị đốt cháy hết và biến thành một ngôi sao lùn trắng.

Nó sẽ mất đi các lớp ở bên ngoài trong quá trình tàn lụi và biến thành một ngôi sao đặc đến khó tin với kích cỡ chỉ bằng Trái Đất.

Ông Kilic và các đồng nghiệp thu được những tấm ảnh hồng ngoại nhờ sử dụng kính viễn vọng vũ trụ Spitzer của NASA để đo nhiệt độ của các ngôi sao.

Ngoài ra, trong giai đoạn ba năm, họ đã đo khoảng cách của J1102 bằng việc theo dõi chuyển động của ngôi sao này nhờ sử dụng kính viễn vọng 2,4m MDM Observatory đặt gần Tucson, bang Arizona.

(Nguồn: Vietnam+ )