Những
ngôi sao tỏa nhiệt ít hơn trong dải Ngân hà cho thấy thiên hà
của chúng ta có hàng tỷ hành tinh lõi đá nằm ở những vùng hỗ
trợ sự sống như Trái Đất.
"Siêu Trái Đất" là các hành
tinh lõi đá, không giống như các hành tinh khí khổng lồ, liên
tục xoay vòng quanh ngôi sao của nó tại một quỹ đạo gọi là
vùng Goldilock, nơi nhiệt độ nó nhận được không quá nóng hoặc
quá lạnh, chỉ vừa đủ để hỗ trợ sự sống.
Tại khu vực này, nước có thể tồn tại dưới dạng lỏng.
ESO đã sử dụng một kính thiên văn
đường kính 3,6 mét, được giới trong nghề biết tới với tên
HARPS, tại đài quan sát của họ đặt ở sa mạc Atacama của Chile.
"Các quan sát mới của chúng tôi
với HARPS cho thấy khoảng 40% các sao lùn đỏ đều có một siêu
Trái Đất đang bay vòng quanh vùng Goldilock, nơi nước lỏng có thể
tồn tại trên bề mặt hành tinh" - Xavier Bonfils, một thành viên của nhóm, tới từ Đại học Grenoble ở Đông Nam Pháp cho biết - "Bởi
sao lùn đỏ có rất nhiều, với khoảng 160 tỷ ngôi sao trong dải
Ngân hà, kết quả là sẽ có hàng chục tỷ hành tinh siêu Trái Đất
riêng tại thiên hà của chúng ta".
Theo ước tính của EOS, có khoảng 100 siêu Trái Đất nằm tại các ngôi sao cách chúng ta chưa đầy 30 năm ánh sáng.
Trên phương diện vũ trụ học, khoảng
cách này vô cùng nhỏ nhoi. Nhưng với công nghệ hiện nay, nhân
loại hoàn toàn không thể tới những hành tinh này.
Theo Từ điển bách khoa các ngoại
hành tinh, tổng cộng 763 ngoại hành tinh, thuật ngữ dùng để
chỉ một hành tinh nằm trong các hệ hành tinh có ngôi sao khác
ngoài Thái dương hệ của chúng ta, đã được tìm thấy kể từ khi
ngoại hành tinh đầu tiên được phát hiện hồi năm 1995.