Trước đây, các nhà khoa học đã biết được rằng, sao chổi chính là tác nhân “chuyên chở”
hóa chất hữu cơ và nước đến với Trái đất thời kỳ sơ khai. Tuy nhiên,
điều gì đã khiến cho sự sống - vốn không hình thành ở bất cứ đâu khác
trên hàng tỷ hành tinh trong vũ trụ - mà lại nảy nở trên Trái đất vẫn
luôn là một bí ẩn.
Sao chổi cung cấp tất cả nguyên liệu cần thiết cho việc hình thành nên sự sống.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu tin rằng, họ
đã tìm được một phần của câu trả lời. Các thử nghiệm trong phòng thí
nghiệm đã cho thấy, các acid amio - những tế bào hữu cơ cấu thành nên
protein - có thể đã sống sót qua những xung chấn cực mạnh do sao chổi
gây ra. Tuyệt vời hơn, chúng còn được cung cấp nguồn năng lượng cần
thiết để bắt đầu liên kết với nhau và tạo ra tế bào protein. Đến lượt
mình, protein là nguồn vật chất thô tiền đề của mọi sinh vật sống, từ vi
khuẩn cho đến con người, có thể tồn tại và hoạt động.
Chính vai trò xúc tác của sao chổi sẽ
giải thích vì sao sự sống lại xuất hiện nhanh chóng đến vậy tại giai
đoạn cuối của thời kỳ trái đất bị “bắn phá dữ dội” cách đây 3,8
tỷ năm. Ở giai đoạn này, Trái đất liên tục nằm trong tầm ngắm của cả
sao chổi lẫn thiên thạch, mà dấu vết còn lại cho đến ngày nay chính là
các hố sâu lồi lõm trên bề mặt Mặt trăng.
Chia sẻ trên DailyMail, Tiến sĩ Jennifer Blank của Trung tâm Nghiên cứu Nasa/Ames (California, Mỹ) cho biết, “Sao
chổi chính là những tàu chở hàng lý tưởng để cung cấp nguyên liệu cho
sự tiến hóa hóa chất khởi nguồn nên sự sống. Ở sao chổi có tất cả những
nguyên liệu ta cần: acid amino, nước và năng lượng”.
Những thử nghiệm của nhóm nghiên cứu của
Tiến sĩ Blank vừa được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội
Hóa học Mỹ. Theo đó, họ đã tái tạo điều kiện của Trái đất cách đây 3,5
tỷ năm khi Trái đất liên tục bị các sao chổi va quệt phải. Nhiều sao
chổi có đường kính lên tới 10 dặm hoặc hơn.