Hai tàu Mỹ bay quanh mặt trăng
Cặp phi thuyền Grail của Mỹ lần lượt tới mặt trăng và bay quanh thiên thể này trong lúc nhân loại trên trái đất đón năm mới.

Hình minh họa vị trí của hai tàu Grail A và Grail-B đối với mặt trăng và trái đất. Ảnh: NASA.
Hình minh họa vị trí của hai tàu Grail A và Grail-B đối với mặt trăng và trái đất. Ảnh: NASA.

Sau hành trình kéo dài ba tháng rưỡi, phi thuyền Grail-A bay tới cực phía nam của mặt trăng hôm 31/12 năm ngoái. Sau đó động cơ của Grail-A khởi động để nó hạ xuống quỹ đạo mặt trăng, AP đưa tin.

Phi thuyền Grail-B tới mặt trăng hôm qua và cũng hạ xuống quỹ đạo của Grail-A. Hai tàu sẽ bám theo nhau trong quá trình di chuyển quanh mặt trăng. Quỹ đạo của chúng có chu kỳ 11,5 ngày. Độ cao của cặp tàu sẽ giảm dần trước khi quá trình thu thập dữ liệu bắt đầu, do đó thời gian chúng bay một vòng quanh mặt trăng cũng sẽ giảm dần.

Mọi việc diễn ra theo đúng kịch bản mà chúng tôi trông đợi. Động cơ của phi thuyền đã khởi động”, Maria Zuber, một chuyên gia của Viện Công nghệ Massachusetts và đang làm việc cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), phát biểu với AP.

Vụ phóng cặp tàu Grail là chuyến bay thứ 110 của loài người tới mặt trăng trong kỷ nguyên vũ trụ. Mỹ từng phóng 6 tàu Apollo để đưa 12 phi hành gia lên mặt trăng. Mặc dù loài người rất quan tâm tới vệ tinh duy nhất của trái đất, giới khoa học vẫn chưa hiểu hết về nó. Chẳng hạn, họ không hiểu tại sao phần tối vĩnh cửu của mặt trăng có bề mặt gồ ghề và nhiều núi hơn so với mặt hướng về phía địa cầu. Một giả thuyết cho rằng trái đất từng có hai vệ tinh, nhưng sau đó vệ tinh nhỏ hơn lao vào vệ tinh kia với vận tốc khá nhỏ - chừng 2,4 km/giây. Do quá trình sáp nhập của hai vệ tinh diễn ra rất chậm nên nó không gây nên tác động lớn, như rung chấn hay sự tan chảy của vật chất. Nửa gồ ghề và tối tăm của mặt trăng được tạo nên bởi vật chất của vệ tinh nhỏ hơn.

NASA hy vọng cặp phi thuyền Grail sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ tại sao mặt trăng không phải là thiên thể đối xứng bằng cách lập bản đồ lực hấp dẫn của mặt trăng. Với bản đồ đó, các nhà khoa học sẽ biết những hiện tượng đang xảy ra bên dưới bề mặt của mặt trăng.

Một số phi thuyền từng được phóng để nghiên cứu lực hấp dẫn của mặt trăng, song chúng mang về những kết quả đầy mâu thuẫn. Cặp tàu Grail được phóng để chấm dứt tình trạng này.

Sau khi đáp xuống quỹ đạo mặt trăng, trong hai tháng tới cặp phi thuyền sẽ tự điều chỉnh vị trí của chúng cho tới khi chúng chỉ cách bề mặt của mặt trăng khoảng 54 km. Quá trình thu thập dữ liệu sẽ bắt đầu từ tháng 3.

(Nguồn: Vnexpress )