Chất tạo nên sự sống 'tồn tại trên sao Diêm Vương'
Kính thiên văn không gian Hubble phát hiện những dấu hiệu về sự tồn tại của các phân tử hữu cơ phức tạp, thành phần quan trọng tạo nên tế bào sống, trên bề mặt sao Diêm Vương.
Tiểu hành tinh Diêm Vương. Ảnh: Discovery.
Tiểu hành tinh Diêm Vương. Ảnh: Discovery.

Dữ liệu hình ảnh bề mặt sao Diêm Vương mà kính thiên văn Hubble gửi về cho thấy một số hợp chất trên bề mặt tiểu hành tinh này hấp thụ ánh sáng cực tím mạnh hơn những hợp chất khác. Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định chúng có thể là hợp chất hữu cơ chứa hydrocarbon hoặc nitơ,Space đưa tin.

Giới khoa học đã biết tiểu hành tinh Diêm Vương chứa các chất metan (CH4), carbon monoxide (CO) và nitơ (N) trên bề mặt của nó. Tuy nhiên, những chất ấy tồn tại ở dạng băng, chứ không phải dạng khí. Những chất hấp thụ tia cực tím có thể được tạo ra khi ánh sáng mặt trời hoặc bức xạ vũ trụ tương tác với băng.

“Đây là một phát hiện thú vị bởi những hydrocarbon và các hợp chất hữu cơ phức tạp khác trên sao Diêm Vương có thể là nguyên nhân khiến bề mặt của nó có sắc đỏ”, Alan Stern, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Southwest tại Mỹ, phát biểu.

Sao Diêm Vương xoay quanh mặt trời trong một vành đai gồm nhiều thiên thể băng có tên Kuiper. Nhiều vật thể băng khác trong vành đai Kuiper cũng có màu hơi đỏ. Trước đây nhiều nhà khoa học từng đoán những vật thể băng đó chứa hợp chất hữu cơ.

Các chất hữu cơ là thành phần quan trọng tạo nên tế bào sống. Vì thế các nhà khoa học luôn tìm kiếm chúng trong nỗ lực săn lùng sự sống trong vũ trụ.

(Nguồn: Vnexpress )