|
Tên lửa Atlas 5 đưa Curiosity lên vũ trụ từ căn cứ không quân Canaveral, bang Florida, Mỹ vào ngày 26/11. Ảnh: AP. |
Thiết bị tự hành Curiosity – còn được gọi là Phòng thí
nghiệm sao Hỏa – được tên lửa Atlas 5 đẩy lên từ căn cứ không quân
Canaveral vào lúc 10h02 sáng qua theo giờ địa phương. Đây là lần đầu
tiên Mỹ đưa robot thăm dò lên sao Hỏa trong 8 năm qua. Sau khi vượt qua
quãng đường 566 triệu km, robot sẽ hạ cánh xuống sao Hỏa vào ngày
6/8/2012. Nó di chuyển nhờ 6 bánh và lấy mẫu đất bằng một cánh tay máy, AP đưa tin.
Nhiệm vụ của Curiosity là phân tích đất và đá trong hố
Gale trên sao Hỏa để tìm kiếm các hợp chất hữu cơ - dấu hiệu cho thấy
vi sinh vật từng hoặc đang tồn tại trên hành tinh đỏ. Hố Gale chỉ có một
quả núi nhỏ nên thiết bị tự hành có thể leo lên các vị trí của núi để
phân tích mẫu đất, đá.
|
Hình minh họa hoạt động của Curiosity trên sao Hỏa. Ảnh: ABC. |
Dữ liệu mà thiết bị tự hành gửi về sẽ giúp NASA lập kế hoạch cho những nỗ lực thám hiểm sao Hỏa trong tương lai.
“Rất có thể những hóa chất phức tạp và cần thiết đối
với sự sống từng xuất hiện trên sao Hỏa. Những dấu vết về sự sống trước
kia vẫn còn trên đó”, Pamela Conrad, một chuyên gia cao cấp trong nhóm
phân tích mẫu vật chất trên sao Hỏa, nhận định.
Với chi phí chế tạo lên tới 2,5 tỷ USD, Curiosity là
thiết bị thăm dò lớn, đắt tiền và tối tân nhất mà Mỹ từng chế tạo để
phục vụ hoạt động thám hiểm sao Hỏa. Đối với giới khoa học, nó thực là
cỗ máy trong mơ. Curiosity - có khối lượng 900 kg và to bằng chiếc xe
hơi - được trang bị 10 thiết bị tối tân để phân tích đất, đá và không
khí trong hố Gale. Pin plutonium giúp robot có đủ điện để hoạt động
trong hơn 10 năm. Các chuyên gia dự đoán thiết bị sẽ hỏng trước khi điện
cạn kiệt. |