Cách
đây một thế kỷ, một sao chổi mang theo sức mạnh hủy diệt thiếu chút nữa
đã quét sạch loài người trên trái đất giống như lần thiên thạch đặt dấu
chấm hết cho loài khủng long trong quá khứ. Trong 2 ngày của tháng
8/1883, nhà thiên văn học người Mexico là Jose Bonilla là chứng nhân duy
nhất khi 450 thiên thể bay ngang qua bề mặt mặt trời, với mỗi thiên thể
bao phủ bởi một một lớp sương mù lấp lánh.
Khi ông Bonilla viết về phát hiện của mình trên tờ L'Astronomie
của Pháp, biên tập viên của tờ này cho rằng hiện tượng trên chẳng qua
chỉ là một đám bụi bẩn hoặc con bọ nào đấy che khuất kính viễn vọng của
chuyên gia Mexico. Tuy nhiên, đến nay các nhà nghiên cứu của Đại học
Mexico đã giải oan cho đồng nghiệp năm xưa với giả định rằng đây chính
là những phần của một sao chổi khổng lồ từng quất hụt trái đất trong quá
khứ.
Vậy 450 sao chổi con này to như thế nào?
Ở đầu nhỏ, chúng chỉ rộng khoảng 50m, nhưng phần to nhất lại đến 4km.
Mỗi sao chổi mang theo sức công phá hơn cả bom nguyên tử. Ấn tượng hơn
nữa là sao chổi nguyên thủy, trước khi vỡ thành nhiều sao chổi nhỏ hơn,
phải có khối lượng gần bằng sao chổi nổi tiếng Halley, hoặc thiên thể
từng tiêu diệt toàn bộ loài khủng long trước đây.
Tại sao các nhà khoa học giờ đây cho
rằng cái mà ông Bonilla thấy phải là sao chổi khổng lồ? Chuyên gia
Hector Manterola của Đại học Mexico giải thích rằng sao chổi là thiên
thể duy nhất trong hệ mặt trời có hình dạng mù sương lấp lánh như ông
Bonilla đã thấy. “Giả thuyết của chúng tôi là Bonilla đã nhìn thấy
một sao chổi đã vỡ vụn hồi năm 1883, vốn có thể quét ngang bề mặt trái
đất trên đường di chuyển”, chuyên gia Manterola nói.
Lý giải về việc tại sao lúc đó chỉ có
nhà thiên văn học Bonilla chứng kiến được quang cảnh kỳ diệu trên, các
chuyên gia Mexico cho rằng chỉ có một cách giải thích: đó là hiện tượng thị sai.
Do những sao chổi con này đến quá gần trái đất, cách từ 600km đến
8.000km, nên hiện tượng này xuất hiện. Khi đó chỉ có các khu vực cùng vĩ
độ với Mexico như sa mạc Sahara, bắc Ấn Độ, Đông Nam Á mới có thể thấy
được chúng đang đến gần, giống như trong trường hợp nguyệt thực.
Theo các chuyên gia, những mảnh vỡ sao
chổi trên nếu va phải trái đất sẽ khiến con người chịu chung số phận với
loài khủng long. Vào năm 1908, một vật thể tương tự đâm vào lãnh thổ
Nga, thường gọi là sự kiện Tunguska, gây ra vụ nổ mạnh hơn 1.000 lần bom
nguyên tử. Nếu quan sát của chuyên gia Bonilla là chính xác, khi đó
trái đất có thể phải đương đầu với 3.275 sự kiện Tunguska trong vòng 2
ngày. Và kết quả có thể là sự tuyệt chủng hoàn toàn của các loài.