National Geographic cho biết, mưa sao băng Orionid là “sản phẩm”
của Halley – sao chổi mà con người có thể thấy theo chu kỳ 75 tới 76
năm. Trên thực tế Halley là sao chổi nổi tiếng nhất trong số các sao
chổi xuất hiện theo chu kỳ.
Sao chổi Halley bay quanh mặt trời.
Trong những giai đoạn nhất định, khoảng cách giữa Halley và mặt trời đủ
gần, nhiệt từ mặt trời khiến vật chất thoát khỏi sao chổi. Khi địa cầu
lọt vào vùng vật chất ấy, các hạt có kích thước lớn lao vào bầu khí
quyển với tốc độ lên tới 145.000 km/h và bốc cháy trong vài giây, tạo
nên những vệt sáng. Người ta gọi hiện tượng này là mưa sao băng Orionid
và các vệt sáng dường như xuất phát từ chòm sao Orion (Lạp Hộ).
“Mặc dù không phải là loại
mưa sao băng ngoạn mục nhất, Orionid vẫn thuộc nhóm những loại mưa sao
băng nổi tiếng. Nó là kết quả của việc trái đất di chuyển qua vệt bụi
của sao chổi Halley”, Michael Solontoi - một nhà thiên văn của Trung tâm thiên văn Adler tại Chicago, Mỹ - cho biết.
Solontoi dự đoán rằng khi mưa sao băng Orionid đạt đỉnh, người quan sát có thể thấy hơn 20 vệt mỗi giờ.
“Nhưng chúng tôi nghĩ trận mưa sao băng lần này sẽ bị lu mờ phần nào bởi ánh sáng của mặt trăng”, ông nhận định.
Do mưa sao băng Orionid nằm trên mặt
phẳng xích đạo nên người dân trên toàn thế giới sẽ thấy nó. Từ sau nửa
đêm tới trước khi mặt trời mọc trong hai ngày tới là khoảng thời gian
tốt nhất để ngắm mưa sao băng Orionid.