Chuyến
du hành đến các ngôi sao gần nhất Hệ mặt trời cũng phải mất vài chục
năm đến vài trăm năm, trải qua ít nhất vài thế hệ phi hành gia. Nhưng
hiện các nhà khoa học vẫn chưa rõ được con người có thể sinh đẻ an toàn
trên không gian hay không. “Chưa xác định sự can thiệp của trọng lực đến tỷ lệ thụ thai và mang thai thành công”,
nhà nghiên cứu Dan Buckland của Viện Công nghệ Massachusetts phát biểu
tại hội nghị chuyên đề Phi thuyền 100 năm, do Cơ quan Nghiên cứu dự án
quốc phòng hiện đại (DARPA) - Mỹ tài trợ.
Cho đến nay, con người vẫn chưa phóng
được phi thuyền ra khỏi Hệ mặt trời, chứ đừng nói đến ngôi sao gần nhất
cách hơn 4 năm ánh sáng. Một năm ánh sáng - tức quãng đường ánh sáng di
chuyển trong 1 năm - được xác định vào khoảng 10 nghìn tỉ km. Hiện vẫn
chưa tìm được phi thuyền nào khả dĩ có thể làm ví dụ điển hình trong
trường hợp này, vì phi thuyền từng chở theo người lên mặt trăng là
Apollo 10 hoạt động cách đây hơn 40 năm, có thể bay tốc độ gần 40.000
km/giờ. Với khoảng cách như vậy, các phi thuyền tương lai phải tự duy
trì hoạt động, điều mà khoa học hiện nay vẫn chưa thực hiện được. Bên
cạnh đó, trừ phi giới khoa học tìm được cách tái tạo môi trường trọng
lực trên phi thuyền, một chuyến du hành giữa các vì sao sẽ buộc phải
thực hiện trong điều kiện không trọng lực. Qua thời gian, tình trạng này
sẽ hủy hoại cơ thể con người, gây teo cơ, tiêu hủy chất khoáng trong
xương và làm suy yếu thị lực, theo nhà sinh học Athena Andreadis của Đại
học Massachusetts.
Ảnh hưởng của tình trạng không trọng lực
đến bào thai đang phát triển thậm chí còn tệ hơn, nhiều khả năng phá vỡ
sự phát triển bình thường của thai nhi, và ảnh hưởng đến chức năng thần
kinh. Cơ thể và khung xương của trẻ có thể phát triển khác biệt trong
không gian so với các bé trên mặt đất. Đó là chưa kể đến thời điểm khai
hoa nở nhụy, được dự đoán sẽ vô cùng khủng khiếp nếu không có sự hỗ trợ
của trọng lực, như phát biểu của chuyên gia Andreadis với SPACE.com.
Tuy nhiên, trước khi viễn cảnh trên xảy ra, chuyện ái ân trên tàu không
gian sẽ diễn ra vô cùng vất cả. Theo chuyên gia Andreadis, do không có
lực kéo, cặp bạn tình nhiều khả năng phải va chạm liên tục với thành phi
thuyền, không ma sát là không có điểm tựa và mọi thứ đều trơn tuột.
Cứ cho là mọi trở ngại kia đều vượt qua
được và các phi hành gia của chúng ta đến đích, khó khăn vẫn chưa hết.
Ngay cả khi phi thuyền đáp được lên một hành tinh có sự sống, môi trường
ở đây có thể chẳng tương đồng với trái đất. Công việc tiếp theo là xây
dựng sinh quyển, và điều này có thể ảnh hưởng đến sự sống của các dạng
sinh vật ở đó. Một lựa chọn khác là tạo ra con người có thể chịu đựng
môi trường mới. Thế nhưng việc cho ra đời một dạng công dân khác hoàn
toàn với người trái đất sẽ đối mặt với những vấn đề về đạo đức, chưa kể
những khó khăn về mặt sinh học.