Nga phóng vệ tinh hàng hải Glonass
Tên lửa Soyuz-2.1B của Nga mang theo vệ tinh hàng hải Glonass đã được phóng lên quỹ đạo vào rạng sáng nay (3.10), AFP dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Đây là đợt phóng tên lửa Soyuz đầu tiên của Nga kể từ sau thất bại trong việc đưa tàu vận tải Progress M-12M đến Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) bằng tên lửa đẩy Soyuz-U vào cuối tháng 8 qua.

Theo người phát ngôn của Không quân Nga đại tá Alexei Zolotukhin thì tên lửa Soyuz-2.1B rời bệ phóng vào lúc 0 giờ 15 phút sáng 3.10 (giờ Nga, tức 3 giờ 15 phút cùng ngày theo giờ VN), tại bãi phóng vũ trụ Plesetsk, cách Moscow khoảng 800km về phía nam.

Trước đó, vệ tinh Glonass dự kiến được đưa vào quỹ đạo cuối tháng 8 qua, tuy nhiên hai thất bại liên tiếp chỉ trong vòng một tuần của các đợt phóng tên lửa của Nga đã khiến sứ mệnh bị chậm trễ.

Vào ngày 18.8 qua, một tên lửa Proton-M đã không thể đưa vệ tinh viễn thông tiên tiến Express AM-4 vào quỹ đạo và chỉ sáu ngày sau đó (ngày 24.8), đến lượt tên lửa đẩy Soyuz-U thất bại trong việc đưa tàu vận tải Progress M-12M đến Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Hai thất bại liên tiếp của ngành công nghiệp vũ trụ này khiến Nga phải đình hoãn tất cả các đợt phóng tên lửa của mình để điều tra nguyên nhân. Theo Ủy ban điều tra đặc biệt thì việc vệ tinh và tàu vũ trụ không thể đến được quỹ đạo là do có trục trặc của bộ phận chuyển nhiên liệu của tên lửa đẩy.

Theo RIA Novosti, vệ tinh Glonass trị giá 152,2 triệu USD, có tính năng như hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ, được thiết kế để sử dụng trong cả hai mục đích quân sự và dân sự.

(Nguồn: Thanh Niên )