Làm việc ngoài vũ trụ có thể gây hại cho mắt
Những nghiên cứu mới đây của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) cho thấy, làm việc ngoài không gian có thể gây hại cho mắt, làm giảm tầm nhìn của các phi hành gia.

Cuộc nghiên cứu được thực hiện với hơn 300 nhà du hành vũ trụ trong chương trình không gian của Mỹ. Kết quả, gần 50% những người làm nhiệm vụ trong thời gian dài ngoài không gian, trở về Trái đất gặp vấn đề về thị lực khi nhìn các đối tượng ở gần.

Các nhà nghiên cứu cũng đã kiểm tra thể chất với bảy nam phi hành gia, những người có các phàn nàn về thị lực của họ sau 6 tháng trong vũ trụ. Kết quả cho thấy, các phi hành gia này có một số dấu hiệu của sự căng thẳng về mắt, kể cả sự tích tụ của dịch lỏng xung quang dây thần kinh thị giác; phát triển các nếp gấp của mạch máu cung cấp máu cho võng mạc; cầu mắt có xu hướng dát mỏng, bẹt ra.

Theo tiến sĩ nhãn khoa Tom Mader, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, chưa thể xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhưng ông đưa ra một vài giả thuyết, trong đó điều chính yếu là do ở ngoài không gian, cơ thể không phải chịu lực hấp dẫn, điều này làm áp lực xung quanh các dây thần kinh thị giác tăng vọt, gây thiệt hại tầm nhìn.

Một giả thuyết khác có thể do sự gia tăng áp suất của các dịch quanh não, kết quả của việc không phải chịu lực hấp dẫn nên các dịch này không thể được dẫn lưu ở bên trong cơ thể.

Một số nhỏ trong số những người được nghiên cứu cho biết, họ có vấn đề về thị giác ngay khi ở trong không gian (6,6% những người làm nhiệm vụ ngắn và 12% những người làm nhiệm vụ dài trong 6 tháng).

NASA đang tiếp tục các nghiên cứu, kể cả trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), để xác định nguyên nhân, các tác động làm ảnh hưởng đến thị giác của con người khi làm việc trong vũ trụ.

Các nghiên cứu trước đây đã từng chứng minh làm việc trong không gian ảnh hưởng đến khối lượng xương và cơ bắp của các nhà du hành vũ trụ khi họ quay trở về Trái đất.

Tuy nhiên, David Robertson, người điều hành Trung tâm Sinh lý học và Y học Không gian, Đại học Y khoa Vanderbilt (Nashville, Mỹ), khẳng định, cho đến nay, các nghiên cứu vẫn cho thấy không có tác hại nào lâu dài đối với sức khỏe con người khi làm việc dài hạn trong không gian.

Các nhiệm vụ trong không gian dài hạn có thể sẽ yêu cầu khoảng thời gian ít nhất 2,5 - 3 năm. Tuy nhiên, không có ai trải qua thời gian làm việc trong không gian lâu và liên tục đến thế. Kỷ lục về thời gian làm việc lâu nhất trong không gian là của Valeri Polyakov, với 437,7 ngày (trong năm 1994 và 1995), trên tàu vũ trụ Mir của Nga.

(Nguồn: Thanh Niên )