Phát hiện hành tinh lạ đen hơn than
Các nhà thiên văn học tuyên bố đã phát hiện một hành tinh lạ, quay quanh quỹ đạo một ngôi sao, có màu đen hơn than đá do chỉ phản chiếu không đầy 1% ánh sáng mặt trời chiếu lên nó.
Hình mô phỏng hành tinh đen hơn than TrES-2b đang di chuyển quanh quxy đạo ngôi sao của nó. Ảnh: Science Daily

Theo bài báo được đăng tải trên tạp chí Monthly Notices của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia Anh (RAS), hành tinh lạ có tên TrES-2b là một khối khí khổng lồ có kích thước bằng sao Mộc, chứ không phải là một cấu trúc đặc, rắn như Trái đất hoặc sao Hỏa. Nó di chuyển theo quỹ đạo của ngôi sao GSC 03549-02811, nằm cách đó khoảng 750 năm ánh sáng theo hướng của chòm sao con Rồng Draco.

"TrES-2b có tính phản xạ kém hơn nhiều so với sơn acrylic đen, do đó nó thực sự là một thế giới xa lạ", chuyên gia David Kipping thuộc Trung tâm Vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonia nhận định.

Được phát hiện lần đầu tiên cách đây 5 năm, TrES-2b quay quanh ngôi sao của nó ở khoảng cách chỉ 5 triệu kilômét, gần hơn nhiều khi so với khoảng cách 150 triệu kilômét từ Trái đất tới Mặt trời và 778 triệu kilômét từ Trái đất tới sao Mộc.

Nhiệt nóng trong bầu khí quyển của hành tinh TrES-2b dữ dội tới mức lên đến hơn 1.000 độ C. Các dấu hiệu từ bầu khí quyển của nó chỉ ra sự hiện diện của các hóa chất hấp thụ ánh sáng như natri và kali bốc hơi hoặc oxit titan.

Tuy nhiên, không có chất nào trong số này có thể lý giải được màu đen kịt của hành tinh TrES-2b, vốn đen hơn nhiều so với bất kỳ hành tinh hay mặt trăng nào khác trong hệ Mặt trời của chúng ta. Các nhà thiên văn học đã xác định được hơn 500 hành tinh ngoài hệ Mặt trời kể từ năm 1995.
(Nguồn: Theo Vietnamnet )