Bí ẩn về sự hình thành phía tối của Mặt trăng
Các nhà khoa học tin rằng, họ đã phát hiện ra điều bí ẩn về sự hình thành phía tối của Mặt trăng sau khi nó va chạm với một mặt trăng khác nhỏ hơn khoảng 3 lần.

Các chuyên gia cho biết, khoảng 4,4 tỷ năm trước, Trái đất từng có hai mặt trăng quay xung quanh quỹ đạo của nó, nhưng một trong số đó đã bị hút vào mặt trăng còn lại khi chúng va đập với nhau trong không gian.

Điều này giải thích lý do tại sao phía tối của Mặt trăng có một lớp vỏ dày và gồ ghề, trong khi mặt sáng của nó lại bằng phẳng. Phát hiện này cũng chỉ ra nguyên nhân phía mặt trăng hướng về Trái đất rất giàu khoáng chất như kali và phốt pho còn bên kia thì ngược lại.

Phía tối (bên trái) và phía sáng của Mặt trăng. (Ảnh: Telegraph)
Phía tối (bên trái) và phía sáng của Mặt trăng. Ảnh: Telegraph

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu, TS. Martin Jutzi, trường Đại học Bern (Thụy Sĩ) cho biết, có khả năng cả hai mặt trăng được tạo ra tại cùng một khoảng thời gian, khi vật thể có kích thước bằng sao Hỏa va vào Trái đất và tan vỡ.

Một mô hình trên máy tính chỉ ra sau khoảng 50 triệu năm, mặt trăng nhỏ hơn đã sát nhập vào Mặt trăng của chúng ta ngày nay.

Vì tốc độ va chạm khá chậm nên khi quá trình xảy ra, những mảnh vụn của mặt trăng nhỏ bị hút vào phía tối Mặt trăng lớn, tạo thành địa hình đồi núi mà không phải là những hố lõm lớn giống như sự va đập giữa 2 vật thể trong không gian.

"Hầu hết những mảnh vụn của mặt trăng nhỏ rơi xuống bề mặt Mặt trăng lớn, nhưng tốc độ chậm vì lực hấp dẫn của Mặt trăng không quá mạnh, một phần rất nhỏ lại bị đẩy ra, có thể vẫn còn trong quỹ đạo xung quanh Mặt trăng”. TS. Martin Jutzi cho biết thêm.

Năm 2010, Giáo sư Francis Nimmo, Đại học California, Santa Cruz (UCSC) đã đưa giả thuyết rằng, hiện tượng thủy triều là nguyên nhân hình thành địa hình gồ ghề trên bán cầu xa của Mặt trăng.

“Trên thực tế, ngay từ buổi đầu của thời đại nghiên cứu không gian vũ trụ, sự khác nhau giữa phía sáng và phía tối mặt trăng đã là một câu hỏi rất khó giải đáp, có lẽ chỉ đứng thứ 2 sau thắc mắc về nguồn gốc hình thành Mặt trăng”.

(Nguồn: Theo Đất Việt )