Atlantis - Tàu con thoi xuyên hai thế kỷ
Hôm qua (21/7), tàu con thoi Atlantis trở về trái đất an toàn, khép lại sứ mệnh vũ trụ xuyên hai thế kỷ, để lại phía sau cả một giai đoạn tự hào của NASA nói riêng và nước Mỹ nói chung.

Atlantis là tên một lục địa mà đến nay sự tồn tại của nó vẫn còn được đặt trước một dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, tàu con thoi sắp nghỉ hưu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) lại được lấy theo tên của con thuyền buồm RV Atlantis. Đây là con thuyền nghiên cứu đầu tiên và cũng là chủ chốt của Viện Hải dương học Woods Hole ở bang Massachusetts, Mỹ.

Atlantis được công ty Rockwell International ở Nam California chế tạo và đưa tới Trung tâm Vũ trụ John F. Kennedy ở phía đông bang Florida vào tháng 4/1985. Đây là tàu con thoi bay theo quỹ đạo duy nhất không có khả năng lấy năng lượng từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) khi kết nối với trạm này, mà tiếp tục tự cung cấp năng lượng từ các pin nhiên liệu.

Atlantis - Tàu con thoi xuyên hai thế kỷ
Tàu con thoi Atlantis chuẩn bị bay vào không trung cùng tên lửa đẩy trong nhiệm vụ STS-132 ngày 14/5/2010.
Ảnh: NASA

Rockwell International mất tới 5 năm để thiết kế và chế tạo các phần của tàu con thoi Atlantis, trước khi hoàn tất việc lắp ráp hoàn chỉnh con tàu này vào ngày 10/4/1984. Hơn một năm rưỡi sau đó, vào ngày 3/10/1985, Atlantis thực hiện chuyến bay đầu tiên vào không gian với sứ mệnh được mang tên STS-51-J (STS là viết tắt của Space Transportation System, có nghĩa là Hệ thống Vận tải Vũ trụ).

Sau 23 năm sử dụng Atlantis liên tục trong các sứ mệnh không gian, NASA bắt đầu tính đến việc cho tàu con thoi này nghỉ hưu vào năm 2008. Tuy nhiên, kế hoạch này đã phải lùi lại khi các tàu con thoi khác là Discovery và Endeavour lần lượt ngừng bay vào tháng 3 và tháng 6 năm nay, nằm trong kế hoạch kết thúc chương trình tàu con thoi kéo dài 30 năm qua của Mỹ.

Sau những trì hoãn, Atlantis cuối cùng cũng có chuyến bay lịch sử vào ngày 8/7 vừa qua, một chuyến bay cũng bị muộn gần hai phút rưỡi so với dự kiến. Người Mỹ đang phát triển một dự án tàu con thoi mũi chóp nhọn mang tên Orion để hướng tới những mục tiêu xa hơn trong vũ trụ, mà trước hết có thể là sao Hỏa. Nhưng không vì thế mà Atlantis và những tàu con thoi cùng thế hệ bị lãng quên.

Nếu con thuyền buồm RV Atlantis thực hiện được tổng cộng hơn 2 triệu km di chuyển ngang dọc khắp các đại dương và là thuyền nghiên cứu hải dương học lâu đời nhất trên thế giới, thì tàu con thoi Atlantis cũng không kém cạnh với những sứ mệnh vang dội trong suốt 26 năm hoạt động.

Tháng 6/2007, Atlantis thực hiện một sứ mệnh dài ngày nhất kể từ khi bắt đầu hoạt động cho tới nay. Trong sứ mệnh này mang tên STS-117, phi hành đoàn đã đưa một số thiết bị mới lên Trạm Vũ trụ Quốc tế và thực hiện 4 lần đi bộ ra không gian phía ngoài con tàu.

Gần hai năm sau, vào tháng 5/2009, Atlantis đưa 7 phi hành gia tới Kính viễn vọng không gian Hubble trong sứ mệnh mang tên STS-125. Nhiệm vụ này thành công khi phi hành đoàn hoàn tất 5 lần di chuyển trong không gian với tổng thời lượng lên tới 37 giờ, để lắp đặt các máy quay mới, các ắc quy, một con quay hồi chuyển và các linh kiện khác vào chiếc kính viễn vọng nổi tiếng.

Atlantis - Tàu con thoi xuyên hai thế kỷ
Chiếc Boeing 747 của NASA đang đưa tàu Atlantis trở lại Trung tâm Vũ trụ John F. Kennedy ở bang Florida hôm 1/7/2007. Ảnh: NASA

Trong số 5 tàu con thoi từng được NASA sử dụng, Atlantis lập kỷ lục về khoảng cách ngắn nhất giữa hai chuyến bay vào năm 1985. Khi đó, tàu con thoi này thực hiện nhiệm vụ STS-61-B vào ngày 26/11/1985, tức là chỉ 50 ngày sau chuyến bay đầu tiên đã nói ở trên.

Ngày 16/11/2009, trong bài trả lời phỏng vấn sau chuyến bay để thực hiện nhiệm vụ STS-129 của tàu Atlantis, giám đốc phụ trách việc phóng tàu vũ trụ ở Trung tâm Vũ trụ John F. Kennedy, ông Mike Leinbach cho hay tàu con thoi này đã chính thức đánh bại tàu Discorey trong các báo cáo về các sự cố. Atlantis chỉ có 54 lỗi được ghi nhận giữa hai chuyến bay liên tiếp để thực hiện sứ mệnh STS-125 và STS-129, một mức thấp kỷ lục đối với các tàu con thoi của Mỹ.

Nhưng Atlantis còn làm tốt hơn thế nữa. Sau chuyến bay vào ngày 14/5/2010, Atlantis được xác nhận chỉ gặp 46 lỗi kể từ chuyến bay ngay trước đó với sứ mệnh STS-129, tức là tàu con thoi này đã tự phá kỷ lục của chính nó. Khi Chương trình Tàu Vũ trụ của NASA chấm dứt, kỷ lục này mãi mãi không bao giờ bị xô đổ.

Những con số biết nói

Atlantis - Tàu con thoi xuyên hai thế kỷ
Các phi hành gia góp mặt trong chuyến bay cuối cùng của tàu con thoi Atlantis. Ảnh: NASA

200 triệu: Tính tới sau khi kết thúc chuyến bay thứ 32 với sứ mệnh STS-132, Atlantis đã bay theo quỹ đạo của trái đất 4.648 lần và đi được quãng đường lên tới gần 200 triệu km trong không gian, tức lần gấp 500 lần khoảng cách từ trái đất tới mặt trăng.

28.160: Tàu Altantis có thể đạt tới vận tốc 28.160 km/giờ, nghĩa là tàu con thoi này có thể bay hết một vòng quanh đường xích đạo của trái đất trong một giờ rưỡi.

293: Cũng tính tới chuyến bay STS-132, Atlantis đã ở trong không gian 293 ngày, 18 giờ, 29 phút và 37 giây.

155: Tổng cộng đã có 155 phi hành gia góp mặt trong 32 chuyến bay của tàu Atlantis cho đến trước chuyến bay cuối cùng hôm 8/7.

(Nguồn: Vnexpress )