'Bạn đồng hành' thầm lặng của trái đất
Các nhà thiên văn phát hiện một thiên thạch lớn di chuyển theo địa cầu trong ít nhất 250 nghìn năm qua.

Science Daily cho biết, kính thiên văn không gian WISE – được Mỹ phóng vào năm 2009 và có khả năng chụp ảnh hồng ngoại – phát hiện một thiên thạch bay gần trái đất vào năm ngoái. Họ đặt tên cho nó là 2010 SO16. Đường kính của nó vào khoảng 200 tới 400 m. Vì thế những người yêu thiên văn có thể quan sát nó vào buổi tối bằng kính thiên văn cỡ trung bình.

Apostolos Christou và David Asher, hai nhà khoa học của Đài thiên văn Armagh tại Bắc Ireland, rất quan tâm tới thiên thạch này bởi khoảng cách trung bình giữa nó với mặt trời đúng bằng khoảng cách trung bình từ mặt trời tới trái đất.

Nhưng điều gây ấn tượng với tôi là quỹ đạo của nó rất giống địa cầu”, tiến sĩ Christou nói.

Phần lớn thiên thạch gần trái đất có quỹ đạo hình quả trứng. Nhưng 2010 SO16 di chuyển theo quỹ đạo gần tròn nên nó không thể tới gần bất kỳ hành tinh nào trong Thái Dương Hệ, trừ địa cầu.


Thiên thạch 2010 SO16. Ảnh: scienceray.com.

Sau một thời gian nghiên cứu bằng mô hình, Christou và Asher kết luận 2010 SO16 đã bay theo trái đất quanh mặt trời trong ít nhất 250 nghìn năm qua.

"Nó sẽ còn xuất hiện trên bầu trời đêm trong rất nhiều năm nữa", Asher khẳng định.

Mặc dù cũng bay quanh mặt trời, song 2010 SO16 luôn giữ khoảng cách rất xa trái đất. Theo hai vị tiến sĩ, trong suốt hàng trăm nghìn năm qua khoảng cách của nó tới địa cầu luôn gấp 50 lần khoảng cách từ mặt trăng tới trái đất.

Hai nhà nghiên cứu đặt ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc của thiên thạch. Chẳng hạn, có thể nó là một thiên thạch bình thường trong Vành đai Thiên thạch giữa sao Hỏa và sao Mộc. Một giả thuyết khác là 2010 SO16 là một mảnh vỡ của mặt trăng. Sau khi thoát khỏi lực hút của cả mặt trăng lẫn địa cầu, mảnh vỡ ấy bay quanh mặt trời theo một quỹ đạo độc lập.



(Nguồn: Theo Vnexpress )