Yuri Gagarin là người đầu tiên bay vào vũ trụ hôm 12/4/1961. Ảnh: ABC News.
Chuyến bay vào ngày 12/4/1961 của Gagarin, khi đó 27 tuổi, vẫn là niềm tự hào của người dân Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Họ coi đó là thành tựu lớn nhất của đất nước trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa. Cái chết của Gagarin trong một vụ tai nạn 7 năm sau đó càng khiến tên tuổi của ông được tôn kính hơn.
Phi thuyền Phương Đông cùng Gagarin được phóng lên quỹ đạo trái đất từ sân bay vũ trụBaikonur tại Kazakhstan vào lúc 9h07 giờ Matxcơva ngày 12/4/1961. Sau khi hoàn thành chuyến bay, Gagarin nhảy ra khỏi khoang và hạ cánh an toàn bằng dù. Ông đáp xuống một cánh đồng tại tỉnh Saratov. Toàn bộ chuyến bay kéo dài trong 108 phút.
Những người đầu tiên gặp Gagarin khi ông hạ cánh là bà Anna Takhtarova, một nông dân, và đứa cháu 4 tuổi có tên Margarita.
“Tôi thấy một vật gì đó rất to màu vàng cam với chiếc đầu khổng lồ lao về phía chúng tôi. Bà tôi giúp Yuri Gagarin cởi chiếc mũ sắt bằng cách nhấn một nút nào đó. Khi một khuôn mặt hiện ra cùng nụ cười thì chúng tôi hiểu rằng một con người đang đứng trước chúng tôi”, Margarita, đứa bé 4 tuổi ngày ấy, hồi tưởng trong buổi phỏng vấn do nhật báo Komsomolskaya Pravda tổ chức.
Hàng trăm nghìn người dân Nga tràn ra các đường phố ở thủ đô Matxcơva của Liên Xô cũ khi biết tin Gagarin bay vào vũ trụ thành công. Sự kiện đó cho thấy vai trò dẫn đầu của Liên Xô trong cuộc chạy đua vào vũ trụ. Vị trí đó thuộc về Liên Xô cho tới khi Mỹ đưa người lên mặt trăng vào năm 1969. Sự hiện diện của Gagarin tại Nga được thể hiện qua bức tượng titan có chiều cao 40 m của ông tại Matxcơva. Hai cánh tay của ông dang rộng sang hai bên giống như siêu nhân chuẩn bị bay lên trời.
Tổng bí thư Nikita Khrushchev, nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô lúc đó, đã sử dụng tiếng tăm của Gagarin để thúc đẩy hòa bình trên thế giới. Nhà du hành được phái tới nhiều nước với tư cách là sứ giả hòa bình và hữu nghị. Ông gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có Nữ hoàng Anh.
“Thành tựu này cho thấy tài năng của nhân dân Xô Viết và chế độ xã hội chủ nghĩa”, AFP dẫn một câu trong tuyên bố của Điện Kremlin sau ngày 12/4/1961.
Mỹ đáp trả Liên Xô một cách khiêm tốn bằng cách đưa phi hành gia Alan Shepherd lên quỹ đạo vào ngày 5/5/1961. Tuy nhiên, chuyến bay của Shepherd chỉ diễn ra trong 15 phút 22 giây nên tàu không thể bay hết một vòng quanh địa cầu. Mãi tới gần một năm sau chuyến bay của Gagarin, Mỹ mới thực hiện được chuyến bay vòng quanh trái đất. Chuyến bay, mang theo phi hành gia John Glenn, diễn ra vào ngày 20/2/1962.
Nhà du hành Gagarin từ biệt bạn bè trước khi bước lên tàu vũ trụ vào ngày 12/4/1961. Ảnh:topfoto.co.uk.
AFP nhận định chính phủ Nga sẽ tranh thủ dịp kỷ niệm 50 năm ngày Gagarin bay vào vũ trụ để giúp người dân Nga và thế giới nhớ lại những thành tựu của Liên Xô cũ, đồng thời nhắc nhở dư luận rằng Nga vẫn là một cường quốc trên trường quốc tế.
Gagarin được chính phủ Liên Xô lựa chọn chỉ 4 ngày trước khi tàu Phương Đông được phóng. Quyết định này khiến ông trở nên nổi tiếng khắp hành tinh. Thậm chí sự nổi tiếng của Gagarin còn làm lu mờ vai trò của Sergei Korolev, người thiết kế phi thuyền đưa Gagarin lên quỹ đạo. Là một nhà khoa học xuất chúng, Korolev từng bị giam trong chiến dịch thanh trừng của nhà lãnh đạo Stalin. Tuy nhiên, ông đã sống sót và làm việc không mệt mỏi khi tham gia chương trình vũ trụ của Liên Xô. Korolev qua đời vào năm 1966 khi đang nghiên cứu một loại tên lửa lớn có tên N1. Ông hy vọng N1 có thể giúp Liên Xô đưa người lên mặt trăng.
Khi Gagarin tử nạn vào ngày 27/3/1968, người ta tìm thấy một bằng lái xe, 40 rúp và một ảnh Korolev trong túi của ông.
Chỉ hơn một năm sau ngày Gagarin tử nạn, phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong đã đặt những bước chân đầu tiên của con người lên mặt trăng. Phi thuyền chở Armstrong hạ cánh lên mặt trăng vào ngày 20/7/1969.