Áo khoác tàng hình
Giới khoa học chế tạo thành công chiếc áo tàng hình tại phòng thí nghiệm trong điều kiện ánh sáng vi sóng, mở ra hy vọng có áo tàng hình cho người với ánh sáng bình thường trong tương lai.


Áo tàng hình giúp Harry Potter di chuyển mà không bị phát hiện. Ảnh cắt từ phim
Áo tàng hình giúp Harry Potter di chuyển mà không bị phát hiện. Ảnh cắt từ phim

Phát minh này căn cứ vào một dạng vật liệu mới gọi là metascreens - chế tác từ những mảnh dây đồng chỉ dày 66 micromét gắn vào một bản phim polycarbonate dẻo dày 100 micromét. Cả hai kết hợp để trở thành một mẫu lưới chéo phủ ngoài khiến vật thể bên trong không được nhìn thấy, có tác dụng giống như chiếc áo choàng tàng hình của nhân vật Harry Porter.

Thí nghiệm trên cho thấy, nhà vật lý học Andrea Alu và cộng sự tại Đại học Texas ở Mỹ dùng lớp phủ bằng chất liệu nói trên che giấu thành công hình dạng của một ống hình trụ dài 18 cm trong môi trường ánh sáng vi sóng. Chất liệu này cũng có thể giúp vật thể có hình dạng không đối xứng khác “tàng hình”.

Những ý định chế tác áo tàng hình trước đây nhằm uốn cong các tia sáng xung quanh vật thể sao cho chúng không thể phát tán và phản chiếu. Áo tàng hình lần này nhằm xóa đi sóng ánh sáng phủ ngoài vật thể để nó không đến mắt người quan sát.

Ông Alu giải thích: “Khi trường phát tán của lớp áo phủ ngoài và vật thể giao thoa, chúng triệt tiêu lẫn nhau và hiệu ứng tổng thể là trong suốt và không thể nhìn thấy từ mọi góc độ”.

Hiệu ứng hiện chỉ xảy ra trong môi trường ánh sáng vi sóng, song các nhà khoa học hy vọng các nghiên cứu tiếp theo tạo điều kiện sáng chế áo tàng hình trong môi trường ánh sáng bình thường.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí New Journal of Physics hôm 26/3.


(Nguồn: Người lao động )