Hệ thống cảnh báo bão mặt trời mới
Nhóm nhà vật lý học từ trường Đại học Delaware Mỹ và Đại học Quốc gia Chungnam, Đại học Hanyang Hàn Quốc vừa phát triển thành công một hệ thống cảnh báo các đợt phun trào hạt mang năng lượng cao từ trong các cơn bão mặt trời mạnh.


Hệ thống mới trên có ưu điểm quan trọng là được thiết kế để dự báo các hạt bức xạ giúp các nhà khoa học dự báo cường độ bức xạ của bão mặt trời khi chúng nhắm vào trái đất. Đặc biệt, trong một số trường hợp bão mặt trời xảy ra với năng lượng thấp, hệ thống có thể thông báo trước 166 phút (gần 3 giờ) về tình hình thời tiết không gian.

Bão Mặt trời khi nhắm vào Trái Đất sẽ gây ra nhiều thiệt hại tùy theo cấp độ (Ảnh: Livescience)


Để kiểm tra tính chính xác của hệ thống cảnh báo mới, các nhà nghiên cứu đã so sánh với dữ liệu do các vệ tinh địa tĩnh quan sát 12 cơn bão mặt trời đã xảy ra. Kết quả cho thấy, các hạt tích điện do hệ thống đo được cao hơn so với các vệ tinh từ 40 triệu-80 triệu volts.

Theo các nhà khoa học, bão năng lượng mặt trời xảy ra sẽ giải phóng các hạt plasma và các hạt tích điện vào không gian có thể gây ra mối nguy hiểm bức xạ cho các vệ tinh trong quỹ đạo, phi hành gia trong không gian và cơ sở hạ tầng điện tử trên Trái đất.

Với những ưu điểm của hệ thống mới, các nhà khoa học hi vọng trong năm tới khi hoạt động năng lượng mặt trời lên đỉnh điểm nó sẽ có tác dụng cảnh báo hữu ích. Nhất là khi NASA đang có kế hoạch bay lên Mặt trăng và Sao Hỏa cũng sẽ giúp các nhà vật lý có thể xác định được sự ảnh hưởng của bão mặt trời đến sức khỏe phi hành gia.

Nghiên cứu hệ thống cảnh báo mới được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu Quốc gia của chính phủ Hàn Quốc, Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ và NASA.

(Nguồn: datviet )