“Cây xanh khổng lồ” giữa Paris
Tháp Eiffel đang được lên kế hoạch để trở thành biểu tượng sinh thái của thủ đô nước Pháp.

Chuyện tháp Eiffel đổi màu không mấy xa lạ với dân Paris. Năm 2004, tháp Eiffel được thắp sáng bằng đèn đỏ vào dịp Tết âm lịch để đánh dấu năm ngoại giao với Trung Quốc. Năm 2008, trong suốt 6 tháng Pháp nắm quyền Chủ tịch Liên minh châu Âu, mỗi tối tháp Eiffel lại khoác lên mình màu xanh dương truyền thống của EU. Lần này, theo báo Le Figaro, 2 tập đoàn Ginger, Vinci và kiến trúc sư Claude Bucher đang lập dự án phủ xanh toàn bộ bề mặt của điểm du lịch nổi tiếng này trong vòng 4 năm tới. Hãng Ginger chuyên về thiết kế đồ án “xanh” và trước đó đã được Cơ quan Quản lý khai thác tháp Eiffel (Sete) chọn làm đối tác cho dự án chỉnh trang lại cấu trúc tầng 1, khởi công trong năm 2012.

Phối cảnh công trình “Eiffel xanh”
Phối cảnh công trình “Eiffel xanh” - (Ảnh: Ginger)

Nếu được Tòa thị chính Paris, Sete và Bộ Môi trường thông qua bản kế hoạch, từ tháng 6/2012, 600.000 cây sẽ được “dát” bên ngoài, biến công trình này thành “cây xanh khổng lồ” cao hơn 300m. Kinh phí thực hiện khoảng 72 triệu euro, được chi trả bởi nhiều tập đoàn hàng đầu của Pháp nhằm khẳng định “sự ủng hộ cho mục tiêu phát triển bền vững”.

Các kỹ sư của Ginger đã chuẩn bị từ 2 năm nay để đánh giá các khó khăn về mặt kỹ thuật như tính toán trọng lượng cây trồng sao cho không ảnh hưởng đến cấu trúc xây dựng của tháp, chọn loại thực vật thích hợp cho những độ cao khác nhau và có khả năng chống chọi với các luồng gió mạnh. Bản sao thu nhỏ của công trình đã được dựng thử nghiệm ở ngoại ô Paris. Ngoài ra, một nhóm các nhà khoa học liên ngành đang phối hợp để đánh giá các giá trị về sinh thái của “Eiffel xanh”. Theo dự kiến, việc phủ xanh tháp Eiffel sẽ được chia thành nhiều giai đoạn: ươm mầm số cây cần thiết từ đây đến tháng 6/2012, sau đó xếp lên tháp cho đến tháng 1/2013. Số cây sẽ tiếp tục phát triển trong khoảng một năm, đạt “đỉnh hương sắc” trong 2 năm 2014, 2015 và bắt đầu được tháo xuống từ tháng 2/2016.

Toàn bộ số cây này sẽ được trồng trong những túi vải đay có chứa đất sinh học gắn trên những sợi thừng được cố định vào bộ khung kim loại của tháp Eiffel. Việc tưới tiêu hằng ngày sẽ nhờ vào hệ thống đường ống bằng cao su nặng 12 tấn. Để đảm bảo tính thẩm mỹ, việc lắp cây lên tháp sẽ được thực hiện sao cho từ ngoài nhìn vào có cảm giác như các mảng thực vật “mọc” tự nhiên từ thấp lên cao.

Nhà sáng lập hãng Ginger, ông Jean-Luc Schnoebelen khẳng định dự án sẽ đưa tháp Eiffel trở thành “biểu tượng của hành động vì sự phát triển bền vững, đồng thời là lá phổi của Paris”.

(Nguồn: Theo Thanh Niên )