Giáo sư tâm lý học và hành vi xã hội Susan Charles và các đồng nghiệp đến từ ĐH California đã tiến hành nghiên cứu để trả lời câu hỏi: Liệu những căng thẳng hàng ngày tích tụ lại có trở thành “giọt nước làm tràn ly” hay liệu những căng thẳng đó khiến chúng ta mạnh mẽ hơn và giúp chúng ta chống lại những khổ cực sau này?
Họ đã sử dụng dữ liệu từ hai cuộc khảo sát với quy mô quốc gia với hơn 700 người (25-74 tuổi) tham gia và phát hiện ra rằng những phản ứng tiêu cực về mặt cảm xúc với những căng thẳng hàng ngày như tranh cãi với vợ hoặc chồng, mâu thuẫn ở nơi làm việc, mắc kẹt trong ách tắc giao thông đều báo trước những đau buồn về mặt tâm lý và tự cảm thấy lo lắng hoặc rối loạn cảm xúc 10 năm sau đó.
Theo GS Charles và các đồng nghiệp, những phát hiện này cho thấy hậu quả về mặt sức khỏe tinh thần không chỉ bị ảnh hưởng bởi các sự kiện lớn trong cuộc sống mà còn chịu tác động của những trải nghiệm cảm xúc tưởng chừng như nhỏ nhặt.
“Thay đổi cách bạn phản ứng với căng thẳng và cách bạn nghĩ về những tình huống căng thẳng cũng quan trọng như việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen tập thể dục”, GS Charles cho biết.
GS Charles cũng cho biết: “Điều quan trọng là không để cho những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày phá hủy những khoảnh khắc của bạn. Bởi sau tất cả, những khoảnh khắc làm nên một ngày, nhiều ngày tạo thành năm. Thật không may, mọi người không nhận thấy các vấn đề về sức khỏe tinh thần như vậy cho tới khi chúng trở nên nghiêm trọng, phải cần tới sự chăm sóc tinh thần chuyên nghiệp”.
Như vậy việc duy trì sự cân bằng cảm xúc là rất quan trọng để tránh các vấn đề nghiêm trọng sau này đối với sức khỏe tinh thần.
Nghiên cứu này được đăng trực tuyến trên tạp chí Psychological Science.