Các chuyên gia của Đại học Queensland (Úc) đã rút ra kết luận trên bằng cách dùng mô hình phân tích cơ chế định lượng về sự liên hệ giữa vàng và thạch anh, vốn được phát hiện tại nhiều mỏ vàng trên thế giới.
Trưởng nhóm nghiên cứu, chuyên gia vật lý học địa cầu Dion Weatherley cho hay khi một trận động đất xảy ra, nó di chuyển dọc theo đứt gãy trên mặt đất. Các đứt gãy lớn thường có nhiều đường rạn nhỏ dọc theo chiều dài của chúng, được kết nối bằng các khoảng trống hình tam giác. Nước thường đóng vai trò bôi trơn các đứt gãy và những khoảng trống này. Khoảng 10 km tính từ bề mặt trái đất, ở điều kiện nhiệt độ và áp suất khủng khiếp, nước mang theo hàm lượng cao carbon dioxide, silica và những nguyên tố có giá trị kinh tế cao như vàng.
|
Trong một trận động đất, vùng đệm của đứt gãy đột ngột mở toang, tương tự hành động dỡ nắp nồi của lò hầm áp suất. Nước bên trong sẽ lập tức bốc hơi và để lộ ra thạch anh và vàng trên các bề mặt gần đó, theo đồng tác giả cuộc nghiên cứu Richard Henley của Đại học Quốc gia Úc tại Canberra. Thậm chí các cơn địa chấn nhỏ hơn 4 độ Richter cũng có thể kích hoạt sự bốc hơi nhanh chóng này. Trước nay, giới chuyên gia từ lâu đã nghi ngờ về tình trạng áp suất giảm đột ngột có thể là nguyên nhân dẫn đến các kho khoáng sản vàng khổng lồ cũng như làm lộ ra những đứt gãy cổ đại. Và nghiên cứu mới của Úc đã chứng thực được những nghi ngờ trên, theo Jamie Wilkinson, nhà hóa học địa chất của Đại học Hoàng gia London (Anh) trả lời trang tin OurAmazingPlanet.
Theo đánh giá, khối lượng vàng để lại sau mỗi trận động đất nhỏ là không bao nhiêu, nhưng nếu xảy ra tại những khu vực như đứt gãy Alpine của New Zealand thì lại khác. Được liệt vào một trong những đứt gãy lớn nhất thế giới, đứt gãy Alpine mỗi khi chuyển mình ước tính có thể để lại một kho khoáng sản vàng tương đương với 100.000 năm tích tụ. Vàng dạng này là nguồn gốc của một số mỏ vàng nổi tiếng thế giới, chẳng hạn như các bãi đãi sỏi tìm vàng vào thế kỷ 19 kích hoạt những làn sóng săn vàng ở California và Klondike. Tuy nhiên, động đất không phải là thảm họa thiên nhiên duy nhất mang vàng đến “bù lỗ” cho con người. Núi lửa và hoạt động bơm dưới lòng đất cũng tạo ra nguồn kim loại quý hiếm cho trái đất.
Trong cuộc trường chinh khai thác vàng, con người đã lôi lên khỏi mặt đất hơn 188.000 tấn, và hầu như làm cạn kiệt mọi mỏ dễ tiếp cận nhất, theo Hội đồng Vàng thế giới. Do vậy, hiểu được cơ chế sinh vàng có thể giúp các công ty khai khoáng tìm kiếm những mỏ vàng mới.