|
Ứng dụng tế bào gốc vào trị bệnh, còn vướng y đức |
|
|
Ứng dụng tế bào gốc vào trị bệnh là một kỹ thuật còn khá mới mẽ tại Việt Nam. Hiện đã có một số bệnh viện mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật này, nhưng Bộ Y tế và Bộ KH-CN chưa có quy định thống nhất việc thực hiện... |
|
Ngày 12/4 vừa qua, lần đầu tiên một ca
ghép tế bào gốc để điều trị bệnh khớp gối mới có được con dấu của Bộ Y
tế cho phép ứng dụng trên một bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Trước đó, tại một số bệnh viện ở TP.HCM đã có ứng dụng kỹ thuật tế bào
gốc điều trị bệnh đem lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc chữa trị này
chỉ được sự đồng ý của hội đồng y đức cấp bệnh viện.
Ngày 13/4, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) và Ban điều phối nhiệm vụ
KH-CN cấp Nhà nước về tế bào gốc (BĐP) giai đoạn 2011 – 2015 đã tổ chức
hội thảo thảo nhằm giải tỏa những vướng mắc trong việc ứng dụng tế bào
gốc vào trị bệnh.
Hiệu quả tốt nhưng quá đắt
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004, đến nay ngân hàng tế bào gốc
máu cuống rốn của bệnh viện huyết học truyền máu TP.HCM đã thực được 108
ca ghép tế bào gốc máu cuống rốn. Chi phí cho một ca ghép tế bào gốc
máu cuống rốn tự thân (tế bào gốc của chính người đó) tốn khoảng 12
nghìn đô la Mỹ. Còn ghép đồng loại (tế bào gốc của người khác) tốn
khoảng 25 nghìn đô la Mỹ. Đây là chi phí khá cao ở Việt Nam.
Nghiên cứu về tế bào gốc tại phòng thí nghiệm tế bào gốc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Ảnh: Thái Ngọc
Theo TS.BS Huỳnh Nghĩa, trưởng khoa nhi bệnh viện huyết học truyền máu,
người đã trực tiếp thực hiện nhiều ca ghép tế bào gốc cho biết: tỷ lệ
thành công ở bệnh viện huyết học truyền máu tương đương với của Thái
Lan. Nhưng do chi phí quá cao nên mỗi tháng, bệnh viện chỉ có thể thực
hiện vài ca. Mặt khác, các ca ghép ở đây không được bảo hiểm y tế thanh
toán, trong khi đó thực hiện ghép tại Viện Truyền máu và Huyết học trung
ương lại được bảo hiểm y tế thanh toán. Cùng một loại bệnh, cách làm
nhưng ở hai nơi lại hoàn toàn khác nhau.
“Ngoài tế bào gốc của chính người đó, hoặc người thân trong gia đình,
nếu mẫu không có liên hệ thân thuộc thì phải 10 nghìn mẫu mới có một mẫu
thích hợp. Trong khi hai ngân hàng tế bào gốc ở Việt Nam hiện nay mới
lưu trữ được khoảng 3.500 mẫu”, TS.BS Nghĩa nói.
Cần có Thông tư liên ngành
Việt
Nam đã thành công trong việc ứng dụng tế bào gốc (TBG) để điều trị các
loại bệnh: về máu (ghép tế bào gốc tạo máu); các bệnh về xương khớp;
điều trị bệnh tim; bệnh lý giác mạc; từ sinh tinh sản xuất tinh trùng,
điều trị vô sinh nam; tạo da từ tế bào gốc màng dây rốn. Ngoài ra các
nhà khoa học đã phân lập được TBG từ tủy xương, máu ngoại vi, máu dây
rốn, từ màng ối, màng dây rốn, từ gan, niêm mạc miệng, vùng rìa giác
mạc, da, mô sinh dục..., biệt lập được TBG từ cơ tim, tế bào thần kinh,
tế bào da, xương, sụn, mỡ.
Tại TP.HCM từ năm 2002 – 2012 đã đầu tư gần 13,5 tỷ đồng để
nghiên cứu về TBG. Trong đó ngân sach nhà nước hơn 8 tỷ đồng, còn lại
của các doanh nghiệp. |
Theo TS Lương Ngọc Khuê, phó Vụ trưởng Vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế, việc
đưa một kỹ thuật mới nào đó vào điều trị, bác sỹ thực hiện phải có đơn
xin phép với Hội đồng y đức của Bộ Y tế.
Nếu thủ tục, hồ sơ điều trị đảm bảo các yêu cầu, Hội đồng y đức sẽ thông
qua vì Hội đồng cũng là những bác sỹ, nhà khoa học đang hành nghề.
Trong trường hợp ứng dụng kỹ thuật mới vào trị bệnh mà chưa thông qua
Hội đồng y đức (Bộ Y tế) thì chính bác sỹ cũng như bệnh viện đó phải
chịu hoàn toàn trách nhiệm khi xảy ra sự cố dù có thông qua Hội đồng y
đức cấp bệnh viện.
Thực tế đến nay, Ban điều phối nhiệm vụ KH-CN cấp Nhà nước về tế bào gốc
(BĐP) giai đoạn 2011 – 2015 vẫn chưa làm việc với Hội đồng y đức (Bộ Y
tế) nên nhiều vướng mắc vẫn chưa được giải tỏa. “Ban điều phối cần có
thành viên về y đức của Bộ Y tế”, TS.BS Phạm Tỵ, Giám đốc bệnh viện Đa
khoa tỉnh Bình Định nói.
“Nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam cần phải chuyển hóa thành ngành kinh
tế kỹ thuật và Nhà nước cần ưu tiên đầu tư vào việc nghiên cứu ứng dụng
trong điều trị”, GS.TS Trần Linh Thước, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên
TP.HCM và chủ nhiệm Chương trình Công nghệ sinh học của TP.HCM nói.
GS.TS Trương Đình Kiệt, thành viên ban điều phối nhiệm vụ KH-CN cấp nhà
nước về tế bào gốc nói: Việt Nam nghiên cứu về tế bào gốc khá sớm nhưng
phát triển hơi chậm, chưa hình thành được nhóm nghiên cứu mạnh. Bước
đầu, đã có những ứng dụng kỹ thuật tế bào gốc vào thực tiễn điều trị,
nhưng về vấn đề y đức vẫn còn vướng mắc giữa nhà khoa học và cơ quan
quản lý y tế.
Nhằm giải quyết vấn đề trên, TS Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ KH-CN các
ngành kỹ thuật, Bộ KH-CN đề xuất: Cần có thông tư liên ngành giữa Bộ
KH-CN và Bộ Y tế trong nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc. |
|
|
|
|
|
|